Tập đoàn Thuận An rút lui, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ra sao?

Tập đoàn Thuận An trả lại 38,8 tỉ đồng tạm ứng thực hiện cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chính thức rút khỏi dự án này.

Ngày 29-7, một nguồn tin xác nhận Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (BQLDA) tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo UBND tỉnh việc Tập đoàn Thuận An rút khỏi gói thầu xây lắp số 2, dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Tập đoàn Thuận An trả lại 38,8 tỉ đồng tạm ứng

Theo BQLDA tỉnh Khánh Hòa, gói thầu trên được chỉ định cho liên danh Công ty CP Tập đoàn Thuận An - Công ty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam thực hiện. Gói thầu có tổng giá trị hơn 2.078 tỉ đồng, thi công xây dựng đoạn từ km22 đến km32, bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công.

Hợp đồng thi công xây dựng gói thầu chỉ định thầu trên được ký giữa BQLDA tỉnh Khánh Hòa với liên danh được thực hiện, công bố từ tháng 8-2023.

Theo hợp đồng đã ký, Tập đoàn Thuận An được giao đảm nhận khối lượng công việc có giá trị hợp đồng hơn 395,5 tỉ đồng.

Trong đó, phần khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công do nhà thầu phụ đặc biệt là Công ty CP tư vấn T27 thực hiện cho toàn bộ gói thầu, giá trị gần 7,2 tỉ đồng.

 Một đoạn cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột đang thi công. Ảnh: XUÂN HOÁT

Một đoạn cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột đang thi công. Ảnh: XUÂN HOÁT

Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc BQLDA tỉnh Khánh Hòa, do chưa có mặt bằng nên đến nay Tập đoàn Thuận An chưa triển khai thi công gì.

Sau khi lãnh đạo Tập đoàn Thuận An bị khởi tố, bắt giam, doanh nghiệp này có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hợp đồng tại liên danh dự án ở cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ngày 25-6, BQLDA tỉnh Khánh Hòa họp với các thành viên liên danh, thống nhất cho Tập đoàn Thuận An chấm dứt hợp đồng; đồng thời yêu cầu nhà thầu này chuyển trả cho chủ đầu tư hơn 38,8 tỉ đồng tạm ứng trước đó.

Đến ngày 11-7, Tập đoàn Thuận An trả lại cho chủ đầu tư toàn bộ khoản tiền tạm ứng hợp đồng. Ngày 12-7, BQLDA cùng các nhà thầu liên danh ký phụ lục điều chỉnh từ bốn còn ba thành viên. Ba nhà thầu còn lại trong liên danh cam kết thực hiện hợp đồng đã ký.

 Công nhân thi công trên dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: XUÂN HOÁT

Công nhân thi công trên dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đề xuất 3 phương án tìm nhà thầu mới

Theo ông Phạm Văn Hòa, sau khi Tập đoàn Thuận An rút khỏi dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, BQLDA tỉnh Khánh Hòa đề xuất UBND tỉnh ba phương án để tiếp tục thực hiện dự án.

Theo đó, phương án 1 áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với ba thành viên còn lại của liên danh nếu đủ năng lực.

Phương án này sẽ không mất thời gian lựa chọn nhà thầu mà chỉ đánh giá năng lực, kinh nghiệm bổ sung đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc đảm nhận.

Tuy nhiên, theo hồ sơ đề xuất nộp ban đầu của nhà thầu thì năng lực của các thành viên liên danh còn lại chỉ đủ đáp ứng phần việc đã ký hợp đồng.

BQLDA đề xuất phương án 2 áp dụng hình thức chỉ định thầu cho nhà thầu khác. Khi đó, thời gian hoàn thành chỉ định thầu theo quy định sẽ hơn một tháng. Khi đó sẽ mất thời gian lựa chọn sơ bộ nhà thầu để trao hồ sơ yêu cầu.

Phương án 3 là hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Theo ông Hòa, lúc này giá gói thầu được tính bằng giá trị đã ký theo hợp đồng với Tập đoàn Thuận An là hơn 388,5 tỉ đồng. BQLDA kiến nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện phương án 3 để đảm bảo tính minh bạch.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, tham mưu về đề xuất chủ trương đấu thầu rộng rãi của BQLDA.

 Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang dần hình thành. Ảnh: XUÂN HOÁT

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang dần hình thành. Ảnh: XUÂN HOÁT

Chúng tôi đã đặt câu hỏi "liệu tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột có bị ảnh hưởng hay không?".

Ông Phạm Văn Hòa cho biết trường hợp thứ ba sẽ mất khoảng hai tháng để hoàn tất các thủ tục, lựa chọn xong nhà thầu mới. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.

"Hiện khu vực gói thầu hai cây cầu do Tập đoàn Thuận An để lại đang khai thác tận thu lâm sản, làm các đường công vụ tiếp cận. Do đó, sớm nhất cũng phải mất hai tháng nữa mới giao được mặt bằng cho đơn vị thi công" - ông Hòa thông tin.

Cũng theo ông Hòa, dự án hai cây cầu trên giáp với dự án hầm Phượng Hoàng của dự án thành phần 2 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến đến tháng 4-2026 hầm Phượng Hoàng mới có thể thông, cuối năm 2026 mới thi công xong.

Với khoảng thời gian đó, dự án thành phần xây dựng hai cây cầu mà Thuận An để lại có thể hoàn thành để kết nối đồng bộ với hầm Phượng Hoàng, thông toàn tuyến.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) dài 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng, quy mô giai đoạn 1 bốn làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), khởi công hồi tháng 6-2023.

Dự án được chia thành ba dự án thành phần. Trong đó UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3, Bộ Giao thông- Vận tải làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/tap-doan-thuan-an-rut-lui-du-an-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-ra-sao-post802642.html