Tập đoàn vận tải biển MSC tìm cơ hội đầu tư cảng tại Cần Thơ
Chiều 24/1, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành làm việc với Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ và Tập đoàn vận tải biển MSC đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Cần Thơ đánh giá cao khả năng hoạt động của Tập đoàn vận tải biển MSC và kỳ vọng các bên cùng trao đổi để nắm bắt nhu cầu của nhau và Tập đoàn có thể tham gia đầu tư tại Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu đã giới thiệu thông tin về thành phố Cần Thơ với đại diện Tập đoàn vận tải biển MSC và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ. Theo đó, Cần Thơ có lợi thế rất lớn là sông Hậu – một trong hai con sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long đi qua. Các cảng nằm dọc theo sông chủ yếu là cảng cạn gồm: Cảng Cái Cui, Cảng Thốt Nốt, nhưng quy mô còn khá nhỏ, hoạt động vận tải chủ yếu bằng sà lan và tàu nhỏ.
Với vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, nếu di chuyển đường bộ thì các tỉnh trong vùng đều đi ngang qua Cần Thơ nên việc chọn xây dựng một cảng trung chuyển quy mô lớn ở đây là chiến lược phù hợp với sự phát triển của thành phố.
Theo quy hoạch thành phố Cần Thơ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị trí mới để xây cảng tại khu vực quận Thốt Nốt với quy mô 155 ha. Đây là vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận giao thông, gần Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn và Khu công nghiệp Trà Nóc.
Theo quy hoạch, khu vực này có 3 chức năng chính là cảng biển, trung tâm logistics và kho bãi. Do vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn thực hiện đồng bộ diện tích 155 ha để thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, có quỹ đất sạch xây dựng dự án.
Ông Benoit De Quilacq, Giám đốc điều hành MSC Việt Nam cho biết, Tập đoàn vận tải biển MSC là một doanh nghiệp tư nhân của Thụy Sĩ được thành lập vào năm 1970. Hiện nay, công ty là tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới với 180.000 nhân viên, làm việc tại 675 văn phòng ở 155 quốc gia.
Hai lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn MSC là vận chuyển hành khách và hàng hóa đường biển. MSC còn có nhiều công ty con kinh doanh các lĩnh vực khác nhau như: xây cảng nước sâu, kho vận, vận tải hàng không, cảng và dịch vụ logistics.
Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa, MSC là tập đoàn đứng đầu thế giới về năng lực vận tải với đội tàu lên đến 760 chiếc, mỗi năm có thể vận chuyển 22,5 triệu TEU. Trong ba năm gần đây, mỗi năm đội tàu của MSC tăng trưởng khoảng 10%.
Theo đại diện Tập đoàn MSC, khu vực quy hoạch cảng với diện tích 155 ha mà lãnh đạo thành phố Cần Thơ giới thiệu rất phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, có thể kết nối được với các cảng MSC đang sở hữu cũng như các cảng nước sâu ở Việt Nam.
Đối với Công ty cổ phần Thành Bình Phú Mỹ, đây là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2007 và hiện là nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án khu công nghiệp kiểu mẫu nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2011. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng và dịch vụ quản lý đạt chuẩn quốc tế, các ưu đãi đầu tư cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ hai nước, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là vùng hấp dẫn phát triển công nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án với diện tích 375 ha đã thu hút 39 dự án đầu tư, lấp đầy 90% diện tích. Giai đoạn 2 với diện tích 600 ha đang được xây dựng; trong đó, 70% diện tích đã có nhà đầu tư hạ tầng đăng ký. Ngoài ra, có tới 70% nhà đầu tư hoạt động trong Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến từ Nhật Bản, còn lại là các nhà đầu tư của Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ...
Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đang đề xuất thành phố Cần Thơ chấp thuận nghiên cứu thực hiện đầu tư dự án Khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ, cụ thể là Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 - 800 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Sau khi tìm hiểu và khảo sát thực tế, công ty đề xuất diện tích đất thu hồi ban đầu để làm dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP khoảng 600 ha thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, có hơn 505 ha đất nông nghiệp.