Tập đoàn Vingroup (VIC) thu về 1,6 tỷ USD tiền mặt từ thương vụ bán Vincom Retail (VRE)
Đợt thoái vốn lần 1 của Tập đoàn Vingroup tại Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE) sẽ diễn ra ngay trong tháng 3 này với giá trị khoảng 886 triệu USD.
Vừa qua, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã cổ phiếu VIC - sàn HoSE) đã quyết định bán 100% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là đơn vị đang nắm giữ 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh Thương mại Sado - đơn vị đang chi phối tới 41,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE).
Sau khi thương vụ trên hoàn tất, Tập đoàn Vingroup sẽ chỉ còn sở hữu trực tiếp 18,8% vốn tại Vincom Retail và Hội đồng Quản trị của Vincom Retail sẽ chưa thay đổi. Đối tác mua lại phần vốn của Tập đoàn Vingroup được cho là một tổ chức trong nước, có sự am hiểu về thị trường bán lẻ tiêu dùng và bất động sản tại Việt Nam.
Theo trao đổi của Yuanta Research với Tập đoàn Vingroup, tổng giá trị thương vụ trên là 39.100 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD), được thanh toán bằng tiền mặt và theo tiến độ thoái vốn. Đợt thoái vốn lần 1 sẽ hoàn tất ngay trong tháng 3 này với giá trị là 21.490 tỷ đồng (tương đương 886 triệu USD) khi Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng xong 55% vốn tại SDI. Đợt thoái vốn lần 2 (45% vốn còn lại tại SDI) sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng tiếp theo.
Trong thương vụ này, giá cổ phiếu VRE được định giá ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị 30.000 tỷ đồng, tương đương giá trị 41,5% cổ phần của SDI tại Vincom Retail (thông qua Sado).
Khoản 9.100 tỷ đồng còn lại là phần sở hữu thiểu số của SDI tại hai “đại” dự án bất động sản của Công ty Cổ phần Vinhomes - công ty con của Tập đoàn Vingroup, gồm dự án Vinhomes Vũ Yên (quy mô 887 ha) và dự án Green Hạ Long (quy mô 932 ha). Cũng theo Yuanta Research, tiến độ pháp lý của cả hai dự án trên đang ở những bước cuối cùng để có thể mở bán.
Theo chia sẻ của Tập đoàn Vingroup, thương vụ trên sẽ không ảnh hưởng đến việc phát triển các trung tâm thương mại trong các dự án bất động sản hiện tại của Tập đoàn Vingroup cũng như các công ty con. Đồng thời, Vincom Retail sẽ vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của Tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, theo Yuanta Research, trong thương vụ trên, Vincom Retail sẽ tất toán các giao dịch với Tập đoàn Vingroup, như các khoản phải thu và tiền đặt cọc mua đất, trong vòng 6 tháng tới. Các điều khoản cho các dự án đang được thi công sẽ không thay đổi.
Đáng chú ý, trước đây, Vincom Retail thường thanh toán một khoản đặt cọc sớm để mua đất từ Tập đoàn Vingroup tại giá vốn. Tuy nhiên, sau thương vụ này, Tập đoàn Vingroup cho biết đối với các dự án chưa xây dựng, các bên liên quan sẽ thảo luận lại các điều khoản phù hợp.
Do đó, Yuanta Research đánh giá Vincom Retail sẽ đối diện với rủi ro chi phí mở rộng quỹ đất tăng lên trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, việc tận dụng hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup đã giúp Vincom Retail mua lại các quỹ đất lớn, có vị trí “đắc địa” trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn, với chi phí thấp hơn so với các đối thủ trong ngành. Đồng thời, các trung tâm thương mại của Vincom Retail đang tận dụng lượng khách hàng sẵn có từ cư dân ở các khu đô thị của Vinhomes, và tận dụng các dịch vụ giải trí của Công ty Cổ phần Vinpearl để thu hút thêm khách hàng.