Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, YEAH1 nợ bảo hiểm xã hội như 'chúa chổm'
BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp tên tuổi nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến những ông lớn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn YEAH1,...
Nhiều "ông lớn" nợ BHXH hàng chục tỷ đồng
BHXH Việt Nam cho biết, theo báo cáo của BHXH các tỉnh thành phố, hiện có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số nợ đọng rất lớn. Theo BHXH TP.HCM, vì nợ đọng BHXH quá lớn nên "bất đắc dĩ" phải công khai hàng loạt doanh nghiệp chậm đóng tiền BHXH trên địa bàn thành phố.
Theo BHXH TP.HCM, số liệu chậm đóng BHXH tính đến hết ngày 30/6/2024, cập nhật UNC đến hết ngày 9/7/2024 cho thấy, tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp được điểm tên này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong danh sách công khai, đáng chú ý có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Mã chứng khoán: HBC) - đây là một "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp này có tổng số tiền chậm đóng BHXH hơn 42,67 tỷ đồng và có số tháng chậm đóng là 12 tháng.
Cũng theo danh sách chậm đóng BHXH tính đến hết ngày 30/6/2024 của Ngành BHXH, cập nhật đến hết ngày 9/7/2024 còn có tên Công ty cổ phần Tập đoàn YEAH 1 chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 1,7 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 3 tháng.
Theo dữ liệu tại ngày 31/3/2024, Tập đoàn YEAH1 có 16 công ty con và 6 công ty liên kết. Đáng chú ý, nhiều công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn YEAH1 chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, công ty con là Công ty cổ phần 1Label cũng chậm đóng 133 triệu đồng, thời gian chậm đóng là 3 tháng. Được biết, Công ty 1Label có trụ sở tại TP.HCM, lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn YEAH1 là 51%.
Một đơn vị khác là Công ty TNHH YEAH1 Up với tỷ lệ sở hữu của YEAH 1 là 99,99% cũng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gần 259 triệu đồng, thời gian chậm đóng là 4 tháng.
Ngoài ra, Công ty TNHH YEAH 1 Network Việt Nam chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gần 0,7 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 4 tháng. Được biết, Công ty TNHH YEAH 1 Network Việt Nam là đơn vị hoạt động chính trong hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận, Tập đoàn YEAH1 góp 99,99 vốn.
Các công ty liên kết khác như Công ty cổ phần YEAH1 Edigital chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gần 1,2 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 4 tháng. Được biết, YEAH1 góp 39,5% vốn vào công ty này.
Công ty con gián tiếp là Công ty TNHH MTV Style TV cũng chậm đóng 15 triệu đồng, thời gian chậm đóng là 6 tháng.
Tại Hà Nội, trong danh sách chậm đóng BHXH tới tháng 6/2024, BHXH TP. Hà Nội cũng đã kê tên Công ty cổ phần Tổ hợp truyền thông STV chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN số tiền 285 triệu đồng, thời gian chậm đóng là 6 tháng.
Đã có hàng trăm hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH bị kiến nghị khởi tố
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH, trốn đóng hoặc đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ số người, số tiền phải đóng theo quy định vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các địa phương yêu cầu đồng bộ giải pháp tăng thu, giảm số tiền chậm đóng, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp đôn đốc, kiểm tra, công khai các đơn vị, cá nhân chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.
BHXH Việt Nam nghiêm cấm tình trạng cố tình hoặc không phát huy hết tinh thần trách nhiệm, để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài. Trong đó, tăng cường thanh tra các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng BHXH lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố.
BHXH Việt Nam cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự, trước đó vào ngày 22/1/2020 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Tính từ khi triển khai đến tháng 11/2023, toàn Ngành BHXH đã gửi 413 hồ sơ kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, trong năm 2018 có 73 hồ sơ, năm 2019 có 151 hồ sơ, năm 2020 có 115 hồ sơ, năm 2021 có 26 hồ sơ, năm 2022 có 26 hồ sơ, năm 2023 có 21 hồ sơ.
Trong đó, tổng số hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 là 378 hồ sơ. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền đang xem xét giải quyết 100 hồ sơ; đã tiếp nhận giải quyết 257 hồ sơ, trong đó đã khởi tố 14 hồ sơ; không khởi tố là 220 hồ sơ (chuyển xử lý vi phạm hành chính 21 hồ sơ; xác định không có hành vi vi phạm pháp luật 199 hồ sơ); tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố là 23 hồ sơ. Ngoài ra, giai đoạn đầu có 56 hồ sơ cơ quan có thẩm quyền đã trả lại không tiếp nhận.
Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, do vậy Luật BHXH (sửa đổi) vừa được thông qua tại tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này. Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể như: Quy định cụ thể biên pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH: bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Các quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2023, cả nước tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó phát hiện, kiến nghị truy thu về các nguồn quỹ số tiền 23.790 tỷ đồng do chậm đóng, nợ đóng BHXH...