Tập đoàn Y dược Vietlife tiếp đà tăng trưởng trong 'cơn gió ngược'
Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, Tập đoàn Y dược Vietlife sẽ tiếp tục mở rộng, chuẩn hóa và cải tiến sản phẩm dịch vụ y tế để đứng vững, phát triển hơn trên thị trường trước những 'cơn gió ngược'. Bs Nguyễn Ánh Vân, Chủ tịch Vietlife trao đổi về chặng đường sắp tới.
Với thế mạnh về Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ Nano trong sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, Tập đoàn Y dược Vietlife đã đầu tư như thế nào cho các hoạt động R&D trong năm 2023?
Tập đoàn Y dược Vietlife đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển với mong muốn là người bạn đồng hành cùng các gia đình để mang đến cuộc sống khỏe mạnh, bình an bằng các giải pháp y dược tối ưu. Năm 2023 là một năm có nhiều biến động, tình hình kinh tế khó khăn chung, nhưng Vietlife vẫn giữ đà tăng trưởng khá tích cực.
Với thế mạnh về nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nano trong sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, 2023 cũng là năm chúng tôi đầu tư rất nhiều cho R&D, có 01 sản phẩm đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho nghiên cứu lâm sàng (NCLS) giai đoạn 3 tại đa trung tâm trên cỡ mẫu hơn 300 người, cùng với đó là hàng loạt các NCLS cấp cơ sở cho những sản phẩm khác. Điều này không gì khác nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên được phát triển bằng công nghệ Nano của Vietlife.
Trong năm 2023, Vietlife đã có một số các hoạt động nổi bật như: Khởi công xây dựng Bệnh viện đa khoa Thanh Xuân (khi đi vào hoạt động sẽ đổi tên thành bệnh viện đa khoa quốc tế Vietlife) quy mô 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.
Chúng tôi cũng đã đầu tư mở mới thêm 2 phòng khám đa khoa ở Hà Nội và TP.HCM, nâng tổng số phòng khám của hệ thống Vietlife Clinic lên 4 phòng khám, đều nằm ở khu vực trung tâm, tổng số máy MRI của hệ thống hiện có tới 7 máy, đứng đầu về số lượng máy MRI trong hệ thống phòng khám tư nhân tại Việt Nam.
Bà đánh giá thế nào về cạnh tranh trên thị trường trong năm 2023, cũng như dự báo năm 2024?
Cạnh tranh trên thị trường trong năm 2023 có thể nói là rất sôi động và khắc nghiệt.
Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, chúng ta thấy làn sóng các quỹ đầu tư, các tập đoàn ngoại đổ hàng trăm triệu USD để thâu tóm các doanh nghiệp y tế Việt, ví dụ như: Thomson Medical Group chi 9.000 tỷ mua Bệnh viện FV; Tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore thâu tóm Bệnh viện quốc tế Mỹ; Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) mua chuỗi Dược phẩm Trung Sơn lớn nhất miền Tây…
Điều này dẫn đến cạnh tranh không chỉ với sản phẩm dịch vụ hay khách hàng mà còn cạnh tranh ở chính lực lượng lao động, các nhân sự chất lượng cao…
Các tín hiệu sang 2024 đều cho thấy mức độ cạnh tranh có xu hướng quyết liệt hơn khi bối cảnh quốc tế vẫn hết sức bất định, những bất ổn, phân mảng địa chính trị vẫn tiếp tục, những xung đột liên tục lan rộng sẽ là những “cơn gió ngược” ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế và dược phẩm, vì khối ngoại vẫn xem đây là miếng bánh béo bở để nhảy vào.
Để đứng vững, phát triển hơn trên thị trường, đâu là những ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của Vietlife trong năm 2024?
Để đứng vững và phát triển hơn trên thị trường, Vietlife ưu tiên thực hiện một số hoạt động chính trong chiến lược kinh doanh 2024 như sau:
Kiên trì bền bỉ xây dựng và phát triển đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, từng bước khẳng định Vietlife là một trong những trung tâm hàng đầu về điều trị các bệnh lý thần kinh cột sống và cơ xương khớp.
Chuẩn hóa và cải tiến dịch vụ y tế, trải nghiệm khách hàng trên cơ sở lấy khách hàng làm trung tâm, tạo ra trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.
Đa dạng hóa kênh phân phối, kênh bán hàng… giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết, tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Vietlife.
Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng có những đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị trong ngành, cụ thể như sau:
Cần sự chung tay phối kết hợp giữa hệ thống y tế Nhà nước (công lập) và tư nhân, hoặc giữa các cơ sở y tế trong nước với nhau, phát huy các thế mạnh riêng biệt của mình, cùng nhau phát triển nội lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực lợi thế sân nhà. Qua đó, chúng ta có thể mang tới cho người dân Việt Nam giải pháp đồng bộ và tối ưu nhất trong chăm sóc sức khỏe.
Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội khi họ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới.