Tập hợp phụ nữ cùng sở thích để phát triển kinh tế

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các nhóm phụ nữ cùng sở thích để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

 Nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang

Nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang

Nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm xã Minh Quang (huyện Lâm Bình) được thành lập với 16 thành viên tham gia. Đây đều là những hội viên, phụ nữ có tay nghề kỹ thuật, cùng sở thích thêu, dệt của xã Minh Quang.

Chị Vũ Thị Thanh Lý, Trưởng nhóm, cho biết, phụ nữ vùng cao từ khi lớn lên đã gắn bó với thổ cẩm, thêu thùa. Vào lúc nhàn rỗi, mọi người đều tranh thủ làm nhưng hầu hết chị em chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú ý tạo ra các sản phẩm để bán. Việc thành lập nhóm cùng sở thích đã giúp tập trung lại các sản phẩm nhỏ lẻ của chị em để cung cấp cho thị trường và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.

Chị Lục Thị Huế, thôn Bản Đồn, cho biết, từ khi chị tham gia Nhóm sở thích thêu dệt thổ cẩm của thôn, ngoài việc được cùng chị em có chung sở thích được trao đổi, học hỏi kỹ năng thêu thùa của nhau, chị còn kiếm thêm được thu nhập những lúc nhàn rỗi.

Tham gia nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi Chi hội phụ nữ thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (huyện Yên Sơn), chị Ma Thị Hồng Tuyên đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thông qua lớp học do Hội LHPN xã Chân Sơn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn tổ chức. Chị Tuyên chia sẻ: "Trước kia, chị em phụ nữ chủ yếu nuôi thả gà đồi một cách manh mún, tự phát, theo kinh nghiệm của cá nhân nên gà thường nhỏ, không đạt trọng lượng. Giờ đây, do được tập huấn kỹ năng nên chị em đã biết cách chăm sóc gà. Đặc biệt, khi gà nhà ai có vấn đề, mọi người cùng đưa ra mổ xẻ, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau chăn nuôi thật tốt".

Nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi ở thôn Động Sơn xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn

Nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi ở thôn Động Sơn xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn

Nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi có 7 hội viên, phụ nữ, với quy mô chăn nuôi trung bình mỗi hộ 500 con/lứa. Mục tiêu hướng đến của nhóm là xây dựng chuỗi liên kết từ con giống đầu vào đến tiêu thụ gà thương phẩm. Mỗi năm, mỗi thành viên sẽ tiêu thụ được 3.000 - 4.000 con gà thương phẩm. Đặc biệt, thông qua nhóm, các thành viên sẽ góp phần đưa gà thả đồi trở thành một sản phẩm đặc trưng của làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn trong thời gian tới.

Cùng nhau phát triển kinh tế trong thời đại 4.0

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến nay, các cơ sở Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thành lập được 25 nhóm cùng sở thích để phát triển kinh tế, bao gồm các lĩnh vực như thêu thùa, đan lát, chăn nuôi, trồng trọt... Các nhóm sở thích được thành lập, hoạt động một cách quy củ từ khâu tìm nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đến tìm thị trường, tạo đầu ra.

Từ những nhóm sở thích này, nhiều hội viên, phụ nữ đã tìm được địa chỉ tin cậy để đồng hành phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các nhóm đã có nhiều sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm như đăng bài trên mạng xã hội, giới thiệu gian hàng tại các hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm... Từ đó giúp các thành viên từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế trong thời đại 4.0.

Nhóm sở thích đan cót, thôn Trung Vượng, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa

Nhóm sở thích đan cót, thôn Trung Vượng, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa

Ngoài ra, việc thành lập nhóm sở thích cũng là cơ hội, sân chơi bổ ích để thu hút, tập hợp hội viên tham gia tổ chức Hội. Ðồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, phục vụ phát triển du lịch, giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập khi nhàn rỗi, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, cho biết, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên nắm bắt và tổng hợp các nhu cầu phát triển kinh tế của hội viên để có các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp. Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, có hiệu quả; tổ chức cho các cán bộ, hội viên, phụ nữ tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế đã thành công.

Hiện Hội LHPN tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án 8, trong đó có nội dung hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản... Từ đó, giúp các hội viên, phụ nữ tiếp tục phát triển kinh tế có hiệu quả.

T.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tap-hop-phu-nu-cung-so-thich-de-phat-trien-kinh-te-20230831170615989.htm