Tập huấn dạy học tích hợp cho giáo viên 63 tỉnh thành
Ngày 10/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập huấn về tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh thành. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tập huấn tại điểm cầu chính có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; các chuyên gia về các môn học và hoạt động giáo dục đến từ các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Tại các điểm cầu địa phương, có lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các nhà trường trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS. Thông qua báo cáo của các tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy nội dung rất tốt.
Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 88 cũng đánh giá, quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học môn tích hợp, cơ bản đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.
Tuy nhiên, đổi mới giáo dục nói chung, cũng như tổ chức dạy học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp diễn ra trên phạm vi toàn quốc, số lượng trường học rất lớn. Đây lại là nội dung mới, khó; điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, công tác tổ chức dạy học… nên không tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều buổi tập huấn, văn bản hướng dẫn để từng bước tổ chức tốt hoạt động dạy, học các môn học này.
Tổng hợp báo cáo về thực trạng khó khăn trong quá trình thực hiện, triển khai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay: Phần lớn các địa phương gặp khó khăn vì thiếu giáo viên và giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó khăn trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá; thiếu cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm; khó khăn về kinh phí triển khai.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đã trực tiếp tập huấn các vấn đề liên quan đến dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hướng dẫn triển khai hệ thống các văn bản cũng như các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể sau quá trình kiểm tra, đánh giá địa phương trong thời gian qua đối với từng môn học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, vai trò của đội ngũ và ghi nhận các thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn, vất vả, nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ, hướng đến lợi ích cuối cùng là vì học sinh
Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương. Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường, rõ nét hơn nữa về chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ. Đề nghị đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn.
Thứ trưởng nhận định: Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là hệ thống hóa lại các văn bản để có tính thống nhất trong quá trình thực hiện.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh.
Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục. Đó là sự ghi nhận, tạo ra sức mạnh, nguồn lực để vượt khó, thực hiện chương trình.