Tập huấn, đối thoại về pháp luật trong lĩnh vực Công đoàn, BHXH, thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều nay (2/11), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) dành cho cán bộ Công đoàn khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Hội nghị lần này tập trung tập huấn, trao đổi 4 nội dung: Kỹ năng Công đoàn tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; một số nội dụng cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và quy định về Ban Thanh tra nhân dân trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận, cho ý kiến về Luật Công đoàn; thảo luận, cho ý kiến về Luật BHXH (sửa đổi).
“Từ những thảo luận đó, chúng ta sẽ tiến hành kiến nghị, góp ý với Quốc hội, với cơ quan liên quan. Đây là nội dung hết sức quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Trao đổi về nội dung xây dựng chính sách, pháp luật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là một trong những phương thức bảo vệ người lao động từ xa và có hiệu quả. Do vậy, trong những năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất trân trọng lĩnh vực này, trang bị cho cán bộ Công đoàn những kiến thức, kỹ năng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật có hiệu quả.
“Nói lên được tiếng nói của người lao động, thiết kế được những chính sách phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hài hòa lợi ích giữa các bên, khả thi trong quá trình thực hiện… Đây là những yêu cầu rất quan trọng đối với cán bộ Công đoàn”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu lưu ý.
Về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, nhấn mạnh đây là luật rất ý nghĩa và cần thiết với hoạt động công đoàn, phát huy vai trò của Công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước, tham gia kiểm tra và nâng cao và thực hiện dân chủ cơ sở, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Luật ghi nhận nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, trong đó có việc tổ chức hội nghị đối thoại; hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động và đặc biệt là ban thanh tra nhân dân. Theo đó, với những quy định của Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở, cán bộ Công đoàn phải nắm vững, phát huy vai trò, tiếng nói của Công đoàn tại cơ quan, đơn vị.
Hội nghị lần này cũng đề cập đến dự án luật rất lớn, đó là Luật Công đoàn (sửa đổi), đây là cơ sở pháp lí rất quan trọng để đảm bảo tổ chức và hoạt động công đoàn, nhất là trong bối cảnh mới nhiều thách thức, vấn đề chưa từng có trong tiền lệ.
“Chúng ta thiết kế một đạo luật vừa đảm bảo hành lang pháp lí cho hoạt động công đoàn, vừa hài hòa giữa Công đoàn và các tổ chức khác có liên quan; Công đoàn vừa thể hiện được vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, vừa tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Đây là vấn đề rất lớn và chắc chắn rất khó. Do vậy, rất cần trí tuệ, đóng góp, trăn trở suy nghĩ từ các cán bộ Công đoàn, nhất là khi chúng ta dưới vai trò là Ban soạn thảo”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
Trao đổi về nội dung Luật BHXH (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhấn mạnh đây là một đạo luật rất quan trọng; đồng thời cho rằng, việc thiết kế Luật BHXH có quy định phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người lao động hay không là vấn đề cần lưu tâm. Do đó, từ thực tiễn thi hành Luật, từ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, mỗi cán bộ Công đoàn cần tập trung nghiên cứu, đóng góp, đề xuất… để nâng cao chất lượng dự thảo Luật, sát với thực tiễn và đời sống hiện nay.
Trong khuôn khổ 2 ngày tập huấn (2-3/11), cán bộ Công đoàn đến từ LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành khu vực phía Bắc sẽ được nghe các đồng chí: Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; Vũ Hồng Quang và Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi về các nội dung nêu trên.