Tập huấn hiện trường trên cây hồ tiêu cho nông dân

Nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân trong triển khai mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) trên cây hồ tiêu, tại xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai lớp tập huấn hiện trường FFS (Farmer Field School) trên cây hồ tiêu cho 30 nông dân. Thông qua lớp tập huấn nhằm giúp nông dân đang trồng tiêu trên địa bàn tiếp thu kiến thức, phương pháp và kỹ năng sản xuất hồ tiêu bền vững. Qua lớp học này, nhiều nông dân đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích.

 Tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu cho nông dân. Ảnh: PVT

Tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu cho nông dân. Ảnh: PVT

Anh Nguyễn Thúc Khánh, ở thôn Hà Thượng, xã Gio Châu có 8 sào đất trồng tiêu. Trước đây do không am hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên hiệu quả mang lại từ vườn tiêu của gia đình anh không cao. Với mong muốn được nâng cao năng lực, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu, vụ tiêu năm nay anh tham gia mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) trên cây hồ tiêu do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai với diện tích 3 sào.

Khi tham gia mô hình CSA cũng như lớp học hiện trường FFS trên cây hồ tiêu, anh Khánh và các hộ dân đã học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích như: Kỹ thuật ủ phân vi sinh, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc có nguồn gốc sinh học để ngăn chặn sâu bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học; kỹ thuật ươm giống tiêu, bón vôi xử lý đất, phòng trừ bệnh chết nhanh chết chậm; kỹ thuật đôn tiêu, bón phân vi sinh, xử lý vườn tiêu bằng chế phẩm sinh học; phòng trừ tuyến trùng hại rễ; kỹ thuật bón phân cho tiêu giai đoạn nuôi quả, giai đoạn quả vào chắc; kỹ thuật chống hạn và chăm sóc tiêu sau khi thu hoạch.

Trong quá trình triển khai lớp tập huấn FFS, các hoạt động học tập sẽ được tổ chức tại hiện trường trên vườn tiêu và kéo dài trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 đến hết tháng 5/2020) theo từng giai đoạn sinh trưởng, cho quả của cây tiêu. Tại lớp học, các học viên và giảng viên cùng xây dựng hiện trường, mô hình phù hợp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Nội dung học tập được giảng viên chia thành các lần tập huấn phù hợp với thời điểm phát triển của cây tiêu.

Trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Xuân Thu, Giám đốc Hợp tác xã Hà Thượng, xã Gio Châu cho hay: “Tôi nhận thấy nội dung kiến thức khi truyền đạt tại vườn tiêu nên rất dễ tiếp thu và áp dụng. Nhờ phương pháp giảng dạy gần gũi, nơi học chính là vườn tiêu của người dân nên chúng tôi tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng. Sau khóa học, ngoài áp dụng vào điều kiện sản xuất của gia đình, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho những nông dân khác trong địa phương cùng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật học được”.

Nhờ phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, nên lớp học đã thu hút rất đông nông dân tham gia. Qua đó, người dân cùng phân tích và đưa ra những giải pháp để sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất. Hình thức tập huấn này cũng giúp nông dân mạnh dạn chia sẻ, phát huy tính chủ động, không còn rụt rè, e ngại như trong các lớp học thông thường. Thông qua lớp tập huấn, các học viên được tiếp thu rất nhiều kiến thức bổ ích.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Truyền thông, Đào tạo và Thị trường, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, khác với phương pháp tập huấn truyền thống trên lớp trước đây, phương pháp tập huấn này có sự tham gia, chia sẻ hai chiều, kết hợp lý thuyết với thực hành trên vườn tiêu. Tham gia lớp học này, nông dân được xác định là trung tâm của lớp học, trực tiếp áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn vườn tiêu, vườn tiêu sẽ là nơi học viên học, thực hành, trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ đồng thời bổ sung, truyền đạt kỹ thuật mới. “Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn theo phương pháp FFS này để nông dân nắm vững kiến thức, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và nhắm đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững”, ông Tùng nói.

Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp các nông dân trồng tiêu được trang bị những kiến thức cần thiết cũng như tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng tiêu, đặc biệt kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất, sản lượng cao. Từ những kiến thức đã được học, các hộ dân sẽ áp dụng vào vườn tiêu của gia đình mình, nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147020