Tập huấn nghiệp vụ đăng ký kiểm tra biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất
Trong hai ngày (17 và 18-6), Bộ Tư pháp phối hợp Bộ TN&MT, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, tháo gỡ các thủ tục hành chính, rào cản để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, thuận lợi và nhanh chóng, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn của nguồn vốn cả hệ thống tín dụng.
Trong đó, việc đăng ký biện pháp bảo đảm (ĐKBPBĐ) là một hình thức để các tổ chức tín dụng đảm bảo cho việc thu hồi nợ. Nếu việc này được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng thì sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện công tác ĐKBPBĐ cũng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký là trong ngày làm việc nhận được hồ sơ hợp lệ nhưng thực tế nhiều trường hợp cơ quan chức năng khó thực hiện đúng quy định.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, mỗi ngày văn phòng phải xử lý đến 200 hồ sơ. Cho nên khi nhận được bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tiến hành đăng ký cho doanh nghiệp thì đã gần hết ngày làm việc. “Vì vậy nên rất khó để xử lý trong ngày cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Cùng với đó, thực tế trong quá trình làm việc, cơ quan thực hiện ĐKBPBĐ còn phải phối hợp với nhiều bên liên quan như khách hàng, doanh nghiệp, ngân hàng, văn phòng công chứng… để thực hiện thủ tục nên cần thời gian.
Do đó, ông Tuấn kiến nghị sớm triển khai cơ sở dữ liệu điện tử về ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thuận tiện cho việc tra cứu, đăng ký giao dịch bảo đảm, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan thực hiện xử lý hồ sơ.
Ngoài ra, công tác ĐKBPBĐ, hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn có các quan điểm khác nhau và việc thực hiện còn chưa thống nhất; mỗi cơ quan, tổ chức làm theo trình tự, thủ tục khác nhau và thường theo thói quen, kinh nghiệm nên làm giảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra.