Tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho hàng nghìn người ở Hải Dương
Hàng nghìn người ở 10 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương được tập huấn chuyên đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, trong 2 ngày 20-21/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn cho khoảng 2.700 người của 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ TP Hải Dương và huyện Nam Sách).
Dự tập huấn có đại diện các phòng chuyên môn cấp huyện; lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; đại diện MTTQ và các tổ chức chính trị cấp xã; công chức địa chính - xây dựng - môi trường; trưởng các thôn, khu dân cư... Đại diện Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường); chuyên gia Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Công ty TNHH Môi trường Minh Thái; Khoa Môi trường và An toàn giao thông - Trường Đại học Giao thông vận tải tham gia truyền tải các nội dung của chuyên đề tập huấn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ủ rác thải hữu cơ tập trung theo đề án tại huyện Nam Sách (tất cả các xã, thị trấn) với 39.581 hộ; 2 xã (xã Thanh Hải thuộc huyện Thanh Hà, xã Cẩm Văn ở huyện Cẩm Giàng) với 5.590 hộ; huyện Bình Giang triển khai tại 2 xã (Vĩnh Hồng và Hùng Thắng) với 6.029 hộ.
Ngoài ra, toàn tỉnh đã có hơn 70.000 hộ tham gia phân loại, ủ mùn rác hữu cơ, đạt 13,3% tổng số hộ, sau khi phân loại, ủ mùn, lượng rác thải phải chuyển về nhà máy xử lý giảm 50%.