Tập huấn triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho GV tiểu học của Hà Nội

Không gian mạng, môi trường số đang có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, do đó, rất cần có sự giáo dục, định hướng và quản lý hiệu quả.

Ngày 8/8, tại Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo khai mạc chương trình tập huấn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học.

Sau lễ khai mạc, các thầy cô tham dự tập huấn tại các lớp ở Trường Tiểu học Yên Hòa (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ ngày 8-9/8.

 Toàn cảnh buổi khai mạc lớp tập huấn triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học.

Toàn cảnh buổi khai mạc lớp tập huấn triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học.

Tham dự lễ khai mạc lớp tập huấn, có Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Trần Lưu Hoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo và chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại diện các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và đại diện các trường thí điểm.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Tiến sĩ Trần Lưu Hoa cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 10 tỉnh thành trên cả nước triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học, đồng thời được Bộ quan tâm, tổ chức một đợt tập huấn riêng".

Theo Tiến sĩ Trần Lưu Hoa, ngành giáo dục Thủ đô có nhiều nhiệm vụ liên quan tới đẩy mạnh chuyển đổi số như số hóa trong công tác lưu trữ, quản lý, tuyển sinh trực tuyến, dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình... Đặc biệt là thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học và tiếp tục sẽ triển khai học bạ số tới các cấp học phổ thông từ năm học 2024-2025.

Đồng thời, việc cập nhật ứng dụng iHanoi đã được triển khai đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Thông qua ứng dụng này, người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn có thể phản ánh các vấn đề liên quan. Hàng ngày sẽ có bộ phận tổng hợp những đề xuất kiến nghị, những tư vấn của nhân dân và tổng hợp giao về cho các sở ban ngành để cùng tham mưu và triển khai thực hiện.

 Tiến sĩ Trần Lưu Hoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tiến sĩ Trần Lưu Hoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

"Đây là một cái nét đột phá trong việc chuyển đổi số rất mạnh mẽ của Hà Nội. Bên cạnh đó thì ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng đăng ký một số nội dung trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số như thu học phí không dùng tiền mặt, thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Hà Nội đã triển khai đến 100% cấp tiểu học và đã cập nhật các dữ liệu đối với các cấp học phổ thông để làm nền tảng cho năm 2024-2025 sẽ triển khai toàn bộ", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Lưu Hoa cũng cho rằng, việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh ngay từ nhỏ sẽ giúp các em có những kỹ năng cơ bản khi tiếp cận và sử dụng công nghệ cũng như công tác truyền thông một cách an toàn, đúng cách. Từ đó giúp các em phát triển được tư duy đa chiều, phát triển các kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số.

"Đợt tập huấn này không những chỉ cung cấp những kiến thức kỹ năng tới học sinh mà còn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục kỹ năng công dân số trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thống nhất được nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng số, kỹ năng công dân số, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Như vậy, nội dung tập huấn không chỉ để hướng tới, truyền đạt tới cho học sinh mà còn hướng tới cả đối tượng những người truyền đạt đó chính là cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Vì thế, ngày hôm nay tham dự tập huấn có gần 300 học viên chia thành 6 lớp là các đồng chí cán bộ quản lý đến từ 76 trường tiểu học và 30 phòng giáo dục và đào tạo tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bày tỏ.

Chia sẻ tại chương trình, Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tinh những định hướng chỉ đạo thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Thái Văn Tài chia sẻ: "Giáo dục kỹ năng công dân số xuất hiện trong Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường ứng dụng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023. Chuyển đổi số có 2 mặt chính, thứ nhất là chúng ta tạo ra nội dung số. Nội dung số là toàn bộ học liệu số, còn học liệu số nghĩa là chúng ta tương tác trên môi trường số chứ không phải là số hóa tài liệu. Điều này thể hiện rõ trên học bạ số. Chẳng hạn trước đây đang từ bản học bạ số giấy số hóa thành bản PDF, sau đó ký trên này. Học bạ số nghĩa là toàn bộ dữ liệu được tương tác và quản lý ở trên môi trường số.

Việc tạo ra nội dung số và dữ liệu số thì chúng ta đã làm và có những cái kết quả nhất định. Ngày hôm nay, chúng ta tiếp tục triển khai một nội dung nữa, đó là giáo dục kỹ năng công dân số. Giáo dục kỹ năng công dân số có nghĩa là tạo ra một thế hệ công dân tương tác, hoạt động sáng tạo trên môi trường số.

Trước đây chúng ta đã dạy học sinh là trên môi trường thực, bây giờ các em học sinh phải được sống và làm việc học tập trên môi trường số thì cần có kỹ năng gì? Môi trường số và xã hội số đến một cách bất ngờ và không loại trừ một quốc gia nào, không loại trừ bất kỳ một ai sống trên trái đất này. Tất cả mọi người đều đang được tiếp cận giống nhau".

Theo báo cáo của Tiến sĩ Thái Văn Tài, Việt Nam có một lợi thế lớn về sự phổ biến của các thiết bị thông minh và mạng internet. Theo thống kê, lượng người sử dụng internet năm 2020 đạt 68,17 triệu người, chiếm 71% dân số; mảng mạng xã hội có tới 65 triệu người dùng, chiếm 67% dân số; trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày.

Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó có 2/3 các em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet; 82% trẻ em trong độ tuổi 7-13 tuổi đã sử dụng internet, tăng lên 93% đối với trẻ em từ 14-15 tuổi. Thực tế này cho thấy, không gian mạng, môi trường số đang có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, do đó, rất cần có sự giáo dục, định hướng và quản lý hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng chỉ ra một số thách thức cơ bản. Đó là, giáo dục kỹ năng công dân số chủ yếu chỉ đang tập trung trong môn Tin học và các hoạt động ngoại khóa. Thời lượng môn Tin học là 1 tiết/tuần. Ngoài ra, căn cứ pháp lý cho các hoạt động giáo dục tăng cường theo nhu cầu người học, xã hội hóa giáo dục còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Việc giáo dục kỹ năng công dân số thực hiện qua 4 hình thức: Dạy học môn Tin học chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; Dạy học tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số; Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024 triển khai thí điểm tại 10 tỉnh đại diện vùng miền; năm học 2024-2025 triển khai diện rộng tại 10 tỉnh thí điểm và thí điểm tại các tỉnh còn lại; năm học 2025-2026 triển khai diện rộng trên 63 tỉnh, thành phố.

Tiến sĩ Thái Văn Tài cho biết thêm, học sinh thế hệ Alpha (sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2010-2025) là thế hệ công dân kỹ thuật số, dưới sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, chúng ta cần thêm nhiều người làm giáo dục hiểu biết về AI, chứ không chỉ đợi những chuyên gia về AI làm về giáo dục.

Tại chương trình, Thạc sĩ Cao Hồng Huệ - Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng trình bày báo cáo về khung năng lực số dành cho học sinh phổ thông.

 Thạc sĩ Cao Hồng Huệ - Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thạc sĩ Cao Hồng Huệ - Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Theo Thạc sĩ Cao Hồng Huệ, năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ kỹ thuật số cho việc làm và khởi nghiệp.

Thạc sĩ Cao Hồng Huệ đưa ra bảng tham chiếu chương trình môn Tin học, Toán, Công nghệ (2018) cấp tiểu học với khung năng lực số. Đồng thời, cô Huệ cũng thông tin một số hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số.

Các thầy có các buổi tập huấn chuyên sâu các nội dung quan trọng của giáo dục kỹ năng công dân số từ ngày 8-9/8.

Đối với học viên là giáo viên nhiều môn sẽ được tìm hiểu quy trình, cách tham chiếu chương trình môn học với khung năng lực số thông qua bảng tham chiếu minh họa của các môn Đạo đức, Toán, Khoa học, Công nghệ; Thực hiện xây dựng bảng tham chiếu cho môn học tùy chọn và báo cáo; Phân tích kế hoạch bài dạy tích hợp tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số trong một môn học...

Đối với học viên là giáo viên môn Tin học sẽ tham chiếu được chương trình môn Tin học với khung năng lực số; Xác định nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cần bổ sung; Xây dựng và lựa chọn nội dung giáo dục kỹ năng công dân số theo khối lớp; Phân tích kế hoạch bài dạy tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số...

Một số hình ảnh tại các lớp tập huấn triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp tiểu học:

Bài và ảnh: Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tap-huan-trien-khai-giao-duc-ky-nang-cong-dan-so-cho-gv-tieu-hoc-cua-ha-noi-post244662.gd