Tập huấn xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông

Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020

Hội nghị tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020

Sáng 27/11, tại Thanh Hóa, Ủy ban ATGT Quốc Gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các lực lượng chức năng, đơn vị được tập huấn 3 chuyên đề: Hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông; Truyền thông phòng chống vi phạm quy định nồng độ cồn và kinh nghiệm tổ chức TTKS xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, liên tục từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, TNGT đã liên tục kéo giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Số người chết do TNGT trong năm 2019 ở mức dưới 8.000 người, tương đương với mức năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.

Toàn quốc xảy ra 12.985 vụ TNGT làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ (giảm 18,26%), số người chết giảm 927 người (giảm 13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (giảm 20,52%); đặc biệt số người chết do TNGT giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây và nếu tiếp tục duy trì tốt như trong 11 tháng cuối năm thì số người chết TNGT năm 2020 sẽ giảm xuống dưới 7.000 người chết.

Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT là do sự gia tăng nhu cầu và phương tiện cơ giới trong điều kiện hạn chế của năng lực, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, công tác quản lý nhà nước về phương tiện, người lái còn bất cập, hiệu lực, hiệu quả của TTKS còn hạn chế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do hạn chế về ý thức tuân thủ các quy định pháp luật và những hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, đã uống rượu, bia vẫn lái xe.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Gia cho biết: Để giảm TNGT một cách bền vững, chúng ta cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp từ đầu tư hạ tầng giao thông, siết chặt quản lý nhà nước, tăng cường TTKS xử lý vi phạm TTATGT và giải pháp quan trọng, căn bản, thường xuyên là tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, nâng cao ý thức người tham gia giao thông trong đó đặc biệt là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Tại Hội nghị, các đơn vị, lực lượng chức năng được nghe nhiều chuyên đề và thảo luận xoay quanh công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Tại Hội nghị, các đơn vị, lực lượng chức năng được nghe nhiều chuyên đề và thảo luận xoay quanh công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

“Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia đồng thời nâng cao năng lực cho Ban ATGT, Sở GTVT, phòng CSGT địa phương về quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Giảm các vụ TNGT nguyên nhân do uống rượu bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đây cũng chính là mục đích của Hội nghị tập huấn của chúng ta ngày hôm nay”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi lái xe là rất nguy hiểm. Qua những phóng sự được xem thì chúng ta thấy rất rõ hậu quả của nó để lại. Nỗi đau khi mất người thân thì không thể nào bù đắp được, không những vậy nó còn làm kiệt quệ kinh tế của gia đình.

Riêng ở Thanh Hóa, trong thời gian qua, Thanh Hóa đã xử lý rất mạnh về nồng độ cồn theo Nghị định 100. Trong vòng 11 tháng của năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý được 4.877 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước là 18,6 tỷ đồng nên tình hìnhTTATGT trên địa bàn tiếp tục có nhiều chuyển biến.

Việc Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấntại Thanh Hóa sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tuyên tuyền, tổ chức thực hiện các chiến dịch truyền thông và kiểm soát, xử lý phòng chống sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trong quần chúng nhân dân, nhằm tiếp tục kiềm chế và giảm TNGT không những trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà còn tuyên truyền rộng rãi trên cả nước.

Phúc Tuấn

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/tap-huan-xu-ly-nong-do-con-doi-voi-nguoi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-d487358.html