Tập kích FULRO từ trên cao (kỳ 2)

Sau ngày giải phóng miền Nam chẳng bao lâu, tổ chức phản động FULRO ráo riết tập hợp lực lượng để phục hồi tổ chức, tìm cách móc nối với các thế lực thù địch tiếp tục có những hoạt động hết sức manh động, chống phá nhà nước ta. Sợ các lực lượng Quân đội, Công an, ban ngày các đối tượng thuộc tổ chức FULRO chui sâu vào trong rừng, nhưng khi thấy địa bàn nào vắng anh em ta là chúng xuất hiện; dùng súng tấn công, uy hiếp, cướp lương thực, tài sản của người dân, ai chống cự lập tức bị giết hại dã man…

Vấn đề FULRO tại Tây Nguyên “nóng” đến mức Ban Bí thư Trung ương đảng đã ban hành Chỉ thị 04/CT - TW để chỉ đạo giải quyết…

Bay đến… điểm nóng!

Nhiều người vẫn còn nhớ, đêm rạng sáng 1/9/1975, bọn phản loạn FULRO tập trung quân số gần bằng một trung đoàn tấn công vào nơi đóng quân của bộ đội ta tại thung lũng Đam Rông, nay thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. “Bốn giờ sáng ngày hôm đó, tức 5 tiếng sau khi FULRO tấn công, chúng tôi nhận được lệnh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 hành quân khẩn đến Đà Lạt chi viện”, Chín Chinh kể.

Ông Chín Chinh kể về những cuộc hành quân đến điểm nóng truy quét FULRO.

Ông Chín Chinh kể về những cuộc hành quân đến điểm nóng truy quét FULRO.

Đam Rông khi đó là một bản khá lớn thuộc huyện Lạc Dương, nằm trên đường từ Đà Lạt đến Đắk Nông và Đắk Lắk. Nửa thế kỷ trước, các con đường này gần như bị bỏ hoang. Mọi việc tiếp tế cho bộ đội ở đây lúc đó đều phải bằng đường mòn cắt rừng từ Đà Lạt qua nhiều núi cao vực sâu; phải đi ba bốn ngày, có khi cả tuần mới được một chuyến đi - về. Ở đây có một nhà thờ Tin Lành. Lợi dụng đồng bào còn khó khăn, lạc hậu, trước đó, các tổ chức chống phá Việt Nam từ bên ngoài đã mua chuộc, tuyên truyền, lôi kéo, xây dựng một mạng lưới “chống cộng” khá rộng lớn.

Dựa vào địa hình hiểm trở và tình hình dân cư như vừa kể nên bọn FULRO đã tập trung một số lớn quân với những vũ khí được trang bị từ trước và cất giấu, rồi bất ngờ tấn công vào một đại đội quân đội ta với hy vọng sẽ “thắng nhanh”. Tuy nhiên, phía địch chẳng hình dung được rằng vài tiếng đồng hồ trước đó, đơn vị bộ đội ta đã phát hiện nên bí mật bố trí lại các điểm đóng quân và tăng cường canh gác; đồng thời nổ súng tiêu diệt hỏa điểm quan trọng mà địch bố trí.

Theo lời Chín Chinh, những chiếc UH-1 lúc đó rất lợi hại, trên máy bay, phi công và xạ thủ được mặc áo giáp chống đạn, đội mũ sắt khá dày, đạn súng trường bắn trúng cũng không thể xuyên qua được. Phi công lại được ngồi trên ghế sắt có thành cao bao bọc xung quanh. Máy bay UH-1 bay là là cách mặt đất chưa đến 10 mét, trên máy bay có 2 khẩu súng Minigun 6 nòng (7,62mm) với 12.000 viên đạn, hai bên cánh treo 14 quả rocket.

Đến 14 giờ cùng ngày, đội hình chiến đấu với 4 trực thăng vũ trang, 5 trực thăng vận tải, 3 trực thăng trinh sát L-19, U-17 và các xe chở xăng dầu đạn dược cùng lực lượng hậu cần nuôi quân đã có mặt, sẵn sàng tại sân bay Cam Ly dưới sự chỉ huy lãnh đạo của Trung đoàn trưởng và Chính ủy. Buổi chiều hôm đó thời tiết quá xấu, mây mưa phủ kín chiến trường, Không quân cùng Bộ binh tranh thủ bàn kế hoạch hợp đồng tác chiến cho hôm sau.

Sáng 2/9, đúng kỷ niệm lần thứ 30 ngày Quốc khánh, thời tiết khá tốt, theo kế hoạch, các trực thăng trinh sát rồi đến vũ trang và vận tải lần lượt cất cánh bay về các mục tiêu định sẵn. Biên đội 2 chiếc trực thăng vũ trang của Chín Chinh đến bắn dọn bãi rồi yểm trợ cho các chiếc trực thăng vận tải chở hai Trung đội bộ đội đặc công đổ xuống chắn hai con đường mòn nhỏ - một đường chạy dọc một con suối chảy xuống thung lũng, một đường chạy lên sườn núi dẫn vào vùng núi hiểm trở, rậm rạp. Hai chiếc trực thăng vũ trang còn lại đánh vào thung lũng nơi quân địch đang tập trung tấn công quân ta với sự chỉ điểm của các trực thăng trinh sát.

Bị đánh bất ngờ từ trên không với tiếng hú và tiếng nổ đinh tai của rocket, tiếng gầm của các khẩu đại liên sáu nòng với luồng đạn dẫn đường sáng rực chĩa ngay vào đội hình, bọn FULRO tháo chạy hoảng loạn. Con đường rút lui đã bị bộ đội đặc công chờ sẵn. Một số đối tượng ngoan cố chống trả bị tiêu diệt, một số bỏ súng đầu hàng, số khác chạy ngược lại, hoặc cố chạy lên các sườn núi dốc thì gặp biên đội vũ trang ta ở đó. Phía thung lũng trên cao, bộ đội đặc công đánh xuống. Trên trời, các chiếc trực thăng vũ trang và trinh sát thay nhau quần thảo.

Quá trưa, chiến trường im tiếng súng. Phía FULRO, chỉ một số ít chạy thoát thân, còn lại hầu hết bị ta bắt sống.

Các máy bay vận tải trở lại Đam Rông để chở 6 chiến sĩ của ta hi sinh và số bị thương về, sau đó chở số binh lính địch bị bắt. Do sợ trời xấu không kịp chở hết số đối tượng bị bắt nên chiếc trực thăng vũ trang tôi bay sáng đó được tháo hết hai ống phóng rocket và súng đạn để tăng cường cho đội vận tải. Vì bãi hạ cánh chật hẹp nên lần lượt từng chiếc thay nhau xuống để chở anh em ta và… “tù binh”.

“Hầu hết số đối tượng FULRO bị bắt đều mặc quần áo rất đơn sơ hoặc chỉ đóng khố, quần đùi. Do không có còng, dây trói nên bộ đội ta khi đó dùng dây lạt trói hai tay những tên bị bắt ra sau lưng, nhiều dây bung ra nhưng chúng vẫn cố kẹp giữ sợi dây, có lẽ sợ… bị đòn. Tôi hốt chuyến sau cùng. Vì trời xấu, chiếc sau không đáp xuống được nên chiếc của tôi phải… nhét đến 25 tên. Tôi so sánh, 25 tên không có vũ khí quân trang cũng không nặng hơn 11 tên lính Mỹ trang bị đầy đủ mà chiếc UH-1 này trước kia từng chở đi đổ quân”, Chín Chinh kể.

Đam Rông là thung lũng, cao độ chỉ 500 mét so với mực nước biển nên khi chở nặng cất cánh để về Đà Lạt, Chín Chinh phải kéo máy bay lên cao để vượt qua ngọn núi Nam Rmay cao gần 1.500 mét và ngọn Hòn Nga cao 2.000 mét đang phủ đầy mây đen. Mặc dù trước khi cất cánh, ông đã đưa khẩu súng ngắn P38 của ông cho cậu xạ thủ, bảo người này ngồi trên bản đèn báo (giữa hai ghế của phi công) quay mặt ra sau, chĩa nòng súng về phía các đối tượng, yêu cầu tất cả ngồi im; thế nhưng khi cất cánh lên rồi, ông vừa lo sợ tình huống bất trắc vì thời tiết xấu, vừa sợ đám “tù binh” ngồi chật cứng phía sau có manh động gì không…

Chiếc UH-1 khi đó được tháo hết cửa hai bên hông nên khi lên cao những đám mây lạnh cắt da dập vào trong máy bay, bốn bề tối đen, nhiều đối tượng ngồi sau lo sợ mặt tái mét. Khi bay qua khỏi dãy núi một lát thì trời bớt mây. Khi đáp xuống sân bay, đám “tù binh” lạnh cóng, khó nhọc lết xuống máy bay rồi leo lên những chiếc xe tải...

Mấy ngày sau đó, Chín Chinh cùng đồng đội được lệnh tiếp tục bay nhiều chuyến chở Bộ đội, đạn dược và gạo tiếp tế đến Đam Rông; tham gia một số trận truy quét bọn FULRO trong các thung lũng sâu hút dưới chân núi Langbiang (Lâm Đồng).

Đầu năm 1976, Chín Chinh có mặt trong một biên đội trực thăng (gồm cả trực thăng vũ trang và vận tải) bay lên Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 968 tiếp tục truy quét quân FULRO đang nổi lên chống phá chính quyền, giết hại cán bộ, dân làng ở đây. Tiếp sau đó, ông cùng nhiều đồng đội cùng với Sư đoàn 10 đánh FULRO nhiều trận ở Đắk Nông, Gia Lai,...

Hào hùng và lãng tử

Đến bây giờ, Chín Chinh kể ông vẫn không quên trận tập kích vào nơi đóng quân của một đại đội FULRO trên Yên Ngựa - dãy núi nằm ở phía đông Buôn Mê Thuột. “Vị trí chúng tôi xạ kích là vùng Yên Ngựa giữa hai quả núi có cây cối khá cao và rậm rạp. Do trước đó, bọn Fulro chưa bao giờ bắn lại máy bay nên sau khi phóng nhiều quả rocket, chúng tôi rà thấp xuống để tiếp cận vài mục tiêu được xác định nằm dưới các tán cây”, Chín Chinh kể.

Hôm sau, Chín Chinh nghe anh em bộ binh báo lại, khi bị Không quân bất ngờ tập kích từ trên đầu, bọn địch trên Yên Ngựa hốt hoảng chạy xuống núi và chẳng ngờ gặp phải Bộ binh đang phục sẵn... Anh em bộ binh tiếp tục tiến lên hướng đỉnh Yên Ngựa thì thấy một số đối tượng FULRO bị thương bên các đống lửa chúng đốt để nướng bắp.

Loại máy bay trực thăng UH-01 thu được của Mỹ mà ta sử dụng để truy quét FULRO tại Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu.

Loại máy bay trực thăng UH-01 thu được của Mỹ mà ta sử dụng để truy quét FULRO tại Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu.

Những đối tượng bị bắt trong các trận sau đó khai sau tổn thất nặng ở trận núi Yên Ngựa, chúng có lệnh không được đốt lửa vì quân “Cộng sản” có “hỏa tiễn tầm nhiệt”, từ đó chỉ có ăn bắp sống, xem đây là thức ăn chính. Điều này giải thích vì sao trong gùi của các đối tượng FULRO bị bắt, thường chỉ có những trái bắp khô.

“Nghe mà chúng tôi không nhịn được cười bởi khi đó mình làm gì có “hỏa tiễn tầm nhiệt”, chỉ có “hỏa tiễn tầm bậy” là để trêu chọc các phi công lần đầu phóng rocket không đúng cách làm quả đạn bay xa lắc mục tiêu thôi”, Chín Chinh kể lại.

Lần bay chở đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn thuộc Sư đoàn 968 đi chỉ huy các đơn vị đang vây ráp một nhóm Fulro đang hoạt động ở vùng Kim Sa Châu gần hồ Lắk, khi mở máy, rà tần số vô tuyến FM để liên lạc với bộ binh, Chín Chinh vô tình nghe bọn chỉ huy của quân FULRO đang liên lạc với cấp dưới. “Chúng nói với nhau bằng tiếng Pháp. May mắn là tôi còn nhớ chút ít tiếng Pháp và chiếc trực thăng tôi đang bay còn bộ phận định vị qua máy FM, thấy kim đồng hồ định vị chỉ hướng nơi máy PRC-25 của bọn FULRO đang phát. Tôi báo lãnh đạo xác định chiếc máy PRC-25 của địch đang trong một ngôi nhà lớn ở giữa làng, thế là đồng chí liên lạc ngay với chỉ huy Tiểu đoàn đang lùng sục dưới đất. Hơn nửa giờ sau, anh em bộ binh ập vào căn nhà kia, tóm gọn bọn chúng”, Chín Chinh kể.

Một lần khác, khi đến dọn bãi để đổ quân truy quét FULRO, Chín Chinh “tiện tay” cho xạ thủ bắn hạ mấy con nai rồi chỉ chỗ cho anh em Bộ binh đến lấy. Anh em ta rất… khoái bởi thời đó rất thiếu ăn, lâu lâu có được thịt nai thì quá tuyệt vời.

“Tham gia chống FULRO, tôi càng thấy thêm về sự phức tạp của tổ chức này và chúng ta đã tốn nhiều xương máu. Nhưng cũng qua đó cho thấy nỗ lực hợp đồng tác chiến rất ăn ý giữa các lực lượng, quân - binh chủng, trong đó có Không quân và Bộ binh mà chúng tôi hay gọi bằng cụm từ là “Bộ đội đổ bộ đường không” - những người lính hào hùng lãng tử”, giọng Chín Chinh hóm hỉnh.

FULRO là tổ chức ra đời năm 1958, được hình thành từ âm mưu của thực dân Pháp khi rút khỏi Đông Dương nhằm kích động các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đòi hỏi thành lập vùng tự trị để tiến đến lập nhà nước Tây Nguyên thân Pháp nhằm bảo vệ, duy trì các lợi ích kinh tế của Pháp ở đây. Đến 1964, dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, FULRO đã có hệ thống lãnh đạo chính trị, quân sự rộng khắp.

Sau 30/4/1975, lợi dụng những khó khăn của đất nước, của đồng bào các dân tộc và sự yếu kém của chính quyền cơ sở, được sự chỉ đạo hỗ trợ của các tổ chức, thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước, FULRO đã tập hợp lại và tạo bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, muốn biến Tây nguyên và các vùng có nhiều dân tộc thiểu số khác thành nhà nước riêng của chúng.

Thời gian đầu, ta chủ trương công tác tuyên truyền, vận động giáo dục kêu gọi “những kẻ lầm đường lạc lối” trở về nhưng chúng càng manh động gây thêm nhiều tội ác. Trước tình hình ngày càng đặc biệt phức tạp, Bộ Tổng tham mưu đã điều nhiều quân - binh chủng; Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tăng cường nhiều đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền và bộ đội địa phương để đánh dẹp bọn FULRO. Lực lượng của ta tổ chức nhiều cuộc hành quân, truy quét liên tục những nơi đối tượng FULRO tập trung, các căn cứ, cơ quan đầu não của chúng…

Trước diễn biến phức tạp của tổ chức phản động FULRO, năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề FULRO… Trong 17 năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND, Quân đội cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu (chủ yếu là gọi hàng) 15.000 lượt FULRO ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của FULRO trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại.

(Còn tiếp)

Thái Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tap-kich-fulro-tu-tren-cao-ky-2--i736100/