Tấp nập mua bán vàng trên 'chợ mạng', tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong khi kênh giao dịch chính thức khá yên ắng, thị trường tự do ghi nhận không khí nhộn nhịp, giá cả biến động từng giờ.

 Vàng miếng SJC hiện được rao bán tấp nập trên "chợ mạng". Ảnh: Duy Hiệu.

Vàng miếng SJC hiện được rao bán tấp nập trên "chợ mạng". Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ghi nhận tại các tiệm vàng quanh khu vực Hà Nội, không khí mua bán khá ảm đạm, lượng khách ghé mua chỉ lác đác "trên đầu ngón tay".

Trong khi đó, việc mua vàng online tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và Công ty SJC cũng được người dân phản ánh là không mấy dễ dàng.

Thực tế, thay vì thị trường chính thức, nhiều người đang tìm tới "chợ mạng" để giao dịch.

Sôi nổi trên chợ mạng

Những ngày qua, gia đình anh Hoài Anh (35 tuổi) cần mua lượng lớn vàng miếng SJC để trả nợ, nhưng tìm tới các doanh nghiệp vàng bạc đá quý tại Hà Nội đều được thông báo là đã hết hàng.

"Việc đăng ký mua online tại ngân hàng thì khó khăn. Trường hợp mua được cũng rất hạn chế số lượng, trong khi nhu cầu tôi cần lại lớn. Thế nên tôi đành lên mạng đăng bài tìm người bán dù biết có rủi ro và chênh lệch giá so với thị trường chính thức", người này cho biết thêm.

Chỉ sau 1 ngày đăng tin tìm kiếm, anh Hoài Anh đã mua được đủ số lượng cần với giá 90 triệu đồng/lượng, có hóa đơn đầy đủ. "Dù giá cao hơn mua ở kênh chính thống tới 1 triệu đồng/lượng, nhưng vì đang cần gấp nên tôi chấp nhận", anh Hoài Anh cho biết.

 Thu mua vàng số lượng lớn, đặt mua vàng... đều đang diễn ra tấp nập trên chợ mạng.

Thu mua vàng số lượng lớn, đặt mua vàng... đều đang diễn ra tấp nập trên chợ mạng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu mua, ở chiều ngược lại, những người muốn bán vàng cũng tìm tới chợ mạng để hưởng giá chênh lệch do tình trạng cầu nhiều hơn cung.

Bà Lan (Hà Đông, Hà Nội) quyết định rao bán 10 chỉ vàng nhẫn trên mạng xã hội thay vì mang ra tiệm như trước đây. Hiện các tiệm niêm yết giá mua bán ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng, bà Lan bán được với giá 88 triệu đồng.

"Tôi vừa lãi được 1 triệu so với mang ra tiệm bán mà người cần cũng mua được. Tôi thấy cách này hợp lý cho cả đôi bên", bà Lan chia sẻ.

Nắm bắt nhu cầu đăng ký mua vàng miếng gặp khó khăn, nhiều người còn rao bán cả suất đăng ký mua online tại các ngân hàng trên "chợ mạng".

Một người đăng thông tin nhận đăng ký mua vàng online tại Công ty SJC với giá 150.000 đồng/2 lượng tại khu vực TP.HCM; 200.000 đồng/lượng tại khu vực Hà Nội và các tỉnh khác là 100.000 đồng/lượng.

Người này cho biết tỷ lệ trúng tại TP.HCM và tỉnh thành khác ở mức cao, riêng ở Hà Nội tỷ lệ thấp. Khi được liên hệ, người này cho hay đã ngừng nhận đăng ký tại khu vực Hà Nội.

 Một người nhận đăng ký online vàng miếng theo yêu cầu. Ảnh: H.N.

Một người nhận đăng ký online vàng miếng theo yêu cầu. Ảnh: H.N.

Tiềm ẩn rủi ro cao

Khảo sát của Tri Thức - Znews cho thấy các hội nhóm trao đổi, giao dịch vàng trên mạng xã hội hiện rất sôi nổi. Mỗi ngày có tới hàng chục bài đăng rao mua, bán với lượng tương tác cao.

Trung bình mức giá bán được đưa ra thường cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng, tức lên đến hơn 90 triệu đồng mỗi lượng.

Không những vậy, một số tài khoản mạng xã hội cũng thường xuyên đăng bài chia sẻ nhu cầu thu mua vàng nhẫn tại các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ... với giá cao theo thỏa thuận.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC vẫn đang giới hạn số lượng bán ra. Tại các ngân hàng quốc doanh, mỗi lượt đăng ký online thành công được mua 1 lượng vàng miếng, tuy nhiên cũng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.

Trong khi đó, Công ty SJC cũng giới hạn 1 lượng vàng miếng và nửa chỉ với vàng nhẫn trơn. Thực tế này khiến nhiều người phải đi mấy ngày mới mua đủ lượng vàng mong muốn.

Ngoài SJC, các thương hiệu vàng lớn khác như Tập đoàn DOJI, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Bảo Tín Minh Châu... thường rơi vào tình trạng cháy hàng nhẫn trơn. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước.

Riêng với vàng miếng, các đơn vị này cũng đã ngừng bán ra thị trường nhiều tháng nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ấn định giá. Lý do được đưa ra là không có nguồn cung.

Trong bối cảnh việc mua vàng ở ngân hàng và Công ty SJC bị giới hạn như vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường "chợ đen" sôi động hơn là điều dễ hiểu bởi đáp ứng được nhu cầu mua bao nhiêu cũng có.

Tuy nhiên, việc mua bán vàng trên thị trường tự do có thể dẫn đến nhiều rủi ro, đặc biệt trong trường hợp chất lượng vàng không chuẩn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM lưu ý người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái Nghị định số 24/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, vàng là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, vì vậy người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua, đầu tư vàng để tránh rủi ro.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-nap-mua-ban-vang-tren-cho-mang-tiem-an-nhieu-rui-ro-post1507052.html