Tấp nập nhập khẩu heo thịt Thái Lan
Dự kiến cuối tuần sau, thịt heo Thái Lan sẽ được tung ra thị trường
Ngày 12-6, Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan với mục đích nuôi/giết mổ làm thực phẩm. Đây là lần đầu tiên heo thịt sống được nhập khẩu bằng đường chính ngạch với kỳ vọng sẽ kéo nhanh mặt bằng giá thịt heo trong nước về mức hợp lý. Điều mà thịt heo đông lạnh chưa làm được dù lượng nhập đã tăng gấp 3 lần bình thường vì người tiêu dùng không chuộng.
Chưa nhập, giá đã giảm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12-6, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (TP Hà Nội), cho hay doanh nghiệp (DN) của ông đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhập khẩu heo thịt về Việt Nam, sau khi đã nhập 4.000 con heo giống, cũng từ Thái Lan. "Dự kiến, lô hàng đầu tiên của chúng tôi về tới Việt Nam vào ngày 15-6, với số lượng 2.000 con và sẽ được bán cho các lò mổ với giá dưới 85.000 đồng/kg" - ông Sum thông tin.
Tại khu vực phía Nam, Công ty Thùy Dương Phát (tỉnh Đồng Nai) cũng đăng ký nhập khẩu heo từ Thái Lan bao gồm cả heo giống và heo thịt. Thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tối 12-6, lô heo giống đầu tiên của DN này đã về đến trang trại cách ly tại Đồng Hiệp (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại tiếp nhận lô heo, ông dự kiến nhập khẩu cả heo thịt để đáp ứng nhu cầu thị trường và mức chênh lệch giá bảo đảm kinh doanh có lãi.
Ông Sum cũng cho rằng giá heo trong nước hiện nay cao vô lý nên việc nhà nước cho phép nhập khẩu heo giống, heo thịt và cả thịt đông lạnh là cách tốt nhất để bổ sung nguồn cung. "Công ty chúng tôi vừa làm thương mại vừa chăn nuôi heo với quy mô 17.000 con nái, 100.000 heo thịt nhưng không bao giờ mong muốn giá heo cao như hiện nay. DN chăn nuôi thường không muốn những cơn biến động lớn mà chỉ cần thị trường ổn định, mức giá heo hơi 45.000 - 50.000 đồng/kg, sức mua cao là lý tưởng" - ông Sum bày tỏ.
Thực tế ghi nhận những ngày gần đây, thị trường thịt heo đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ thông tin cho phép nhập khẩu heo thịt từ các nước. Giá heo hơi liên tục giảm từ đầu tháng 6, hiện một số địa phương đã về mức 84.000 - 85.000 đồng/kg. Tại TP HCM, giá heo hơi phổ biến ở mức 87.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với hồi tháng 5. Giá heo hơi giảm đã kéo giá heo mảnh (heo sau giết mổ, bỏ đầu lòng) tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) cũng giảm 5.000 đồng/kg, còn 110.000 đồng/kg.
Chỉ cách ly 5 ngày
Theo DN nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan, họ đã nhận được hướng dẫn của Cục Thú y về việc chỉ phải cách ly heo 5 ngày, sau đó sẽ được giết mổ, thay vì 30 ngày như dự kiến trước đó. Do vậy, người tiêu dùng trong nước sẽ không phải đợi lâu, chỉ khoảng cuối tuần sau, thịt heo Thái Lan sẽ được tung ra thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Thú y xác nhận thông tin trên và cho biết heo sau cách ly sẽ được xét nghiệm, nếu đạt sẽ chuyển sang giết mổ. Trường hợp chủ hàng muốn nuôi, phải thực hiện cách ly kiểm dịch 14 ngày, lấy mẫu kiểm nghiệm một loạt dịch bệnh và yêu cầu phải tiêm vắc-xin… nhằm bảo đảm an toàn chăn nuôi.
Những người chăn nuôi cho rằng quy định phức tạp như vậy, chắc chắn DN sẽ ưu tiên đưa heo sống vào giết mổ ngay thay vì nhập heo về để nuôi tiếp.
Cũng do yêu cầu khắt khe về nơi cách ly heo sống nhập khẩu nên chỉ một số DN có trại trống hoặc liên kết với trang trại trống đủ điều kiện mới có thể tham gia nhập khẩu.
Giá heo Thái Lan gần đây cũng tăng do các nước tăng cường nhập khẩu. So với cách đây 2 tuần, heo hơi Thái Lan đã tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, lên mức 65.000 - 67.000 đồng/kg (giá tại cửa khẩu Thái Lan - Lào) trong khi giá heo Việt Nam lại có xu hướng giảm nên rút ngắn sự chênh lệch về giá. Ngoài ra, hiện DN Việt Nam chỉ có thể vận chuyển heo từ Thái Lan qua Lào với chi phí cao, lên đến 30 USD/con trong khi vận chuyển qua Campuchia, chi phí chỉ khoảng 9-10 USD/con nhưng nước này lại đang tạm ngưng hoạt động tạm nhập tái xuất.
Sắp có tiêu chuẩn thịt bò mát
Chiều 12-6, tại TP HCM, Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trâu, bò mát. Đây là một trong các hoạt động nhằm giúp ngành thịt trâu, bò chuẩn hóa sản phẩm để cung cấp ra thị trường, giúp tăng thị phần, thay đổi cơ cấu bữa ăn của người dân theo hướng giảm thịt heo, tăng thịt trâu, bò và gia cầm. Cụ thể, thịt bò mát được sản xuất theo quy trình làm mát ngay sau khi giết mổ để hạ nhiệt độ tâm thịt xuống từ 0 đến 4 độ C. Sau đó được đem đi pha lóc, vận chuyển, bảo quản, phân phối trong điều kiện nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C nhằm bảo đảm chất lượng thịt và kéo dài thời gian sử dụng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tap-nap-nhap-khau-heo-thit-thai-lan-2020061221581519.htm