Dưới tiết trời 12 độ C, nhiều người đã xếp hàng trước các tiệm giò chả, hoa tươi, đồ lễ ở Chợ 8/3 (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) từ 6h để sắm Tết. Khu chợ chật kín người đi lại.
Vừa mở tiệm, cửa hàng nhà chị Phương (25 tuổi, áo xám) liên tục có khách đến nhận bánh chưng, giò chả đặt trước. Năm nay, phần lớn người mua đều đặt hàng online và tới lấy trong sáng ngày 29 âm lịch. "Vào dịp lễ, cửa hàng nhà tôi có thể bán được vài nghìn chiếc bánh chưng, cây giò. Những món ăn này không thể thiếu trên mâm cỗ Tết truyền thống nên luôn bán chạy", chị Phương cho biết.
Tương tự, gà lễ và xôi cúng cũng đắt hàng trong sáng nay. Chủ một cửa hàng gà trong chợ chia sẻ rằng từ sau 23 tháng Chạp, bà đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Một con gà lễ được chế biến hoàn chỉnh có giá 500.000 đồng, xôi ngũ sắc là 50.000 đồng/đĩa.
"Năm nay, thực phẩm tăng giá nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá tiền một chút. Gà lễ bán chạy nhất vì giờ người dân không có nhiều thời gian nấu nướng như xưa", bà chủ nói.
Nhiều cửa hàng tạp hóa quanh khu chợ cũng tấp nập người ra, vào. Hải (21 tuổi, áo đen) cho biết lượng người tới mua sắm tại cửa hàng nhà mình đã tăng 300% chỉ trong vài ngày gần đây. Đa số đều mua giỏ quà, đồ uống và bánh kẹo để sắp mâm lễ. Vì thế, gia đình anh phải cử ra 3 người túc trực bán hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.
Cận kề giao thừa, nhiều người mới ra chợ lựa chọn hoa quả để thực phẩm được tươi ngon. Hằng (20 tuổi), nhân viên cửa hàng, nói rằng phật thủ, cam, thanh long và táo bán chạy hơn các loại khác vì xuất hiện trên mâm ngũ quả ngày Tết.
5 năm nay, vào mỗi dịp Tết đến, anh Tú (26 tuổi, áo xanh) lại cùng chị gái bày sạp hoa ở đối diện chợ. Các loại hoa được bán đều dùng để trang trí nhà cửa, có giá trị thẩm mỹ cao và dao động trong khoảng 70.000-120.000 đồng. "Năm nay, hoa hồng tỷ muội bán khá chạy vì sắc màu tươi tắn, phù hợp với không khí ngày lễ. Mỗi năm tôi chỉ bán hàng 2-3 ngày, nhưng như vậy là đủ để hòa mình vào không khí Tết rồi", anh Tú cười nói.
Đứng chờ hơn 15 phút trước một cửa hàng thịt, chị Thảo (26 tuổi) không cảm thấy khó chịu, bất tiện. "Sáng nay, tôi đi chợ cùng mẹ. Mẹ đang đứng trong quầy, còn tôi chờ ở ngoài cho đỡ đông người. Năm nào cũng vậy, hai mẹ con sẽ dành buổi sáng cuối năm để cùng sắm Tết". Cả năm qua, chị bận rộn với công việc kinh doanh cá nhân, chỉ có thể quây quần cùng gia đình vào dịp này.
Năm nay, gia đình nhỏ của chị Thảo (26 tuổi) chọn ở lại Hà Nội đón Tết vì dịch bệnh phức tạp. Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi, vợ chồng chị đưa con trai nhỏ ra chợ mua sắm đồ trang trí nhà cửa. "Tôi thấy năm nay không khí Tết có phần trầm hơn, có lẽ do tình hình dịch bệnh nên mọi người cũng không nán lại quá lâu, nhanh chóng mua sắm rồi ra về".
Trong khi vợ đang chờ mua thịt, anh Tùng (32 tuổi) tranh thủ ghé sạp hoa quả chọn đồ cho mâm cúng tất niên. "Cả năm bận rộn, chúng tôi muốn dành toàn bộ thời gian, tâm trí để lo lắng cho gia đình vào dịp Tết. Ở nhà, hai vợ chồng đã chuẩn bị tươm tất các món ăn, quà bánh để đãi khách trong những ngày tới".
Tuấn Anh - Trang Minh