Tập postcard 'Hoằng Hóa văn vật' của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn: Một món quà xuân

Nhằm quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Hoằng Hóa đến với du khách, bằng tất cả tình yêu, gắn bó, cống hiến cho quê hương, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn đã tâm huyết, công phu hoàn thành tập postcard mang tên 'Hoằng Hóa văn vật'.

Đó là Bảng Môn đình (xã Hoằng Lộc) - biểu tượng đẹp về truyền thống hiếu học của xã Hoằng Lộc, nơi được ví như “Quốc tử giám” trong lòng xứ Thanh.

Nói đến biểu tượng cho truyền thống hiếu học của huyện Hoằng Hóa, không thể không nhắc tới Đền thờ Lương Đắc Bằng, làng Hội Triều, xã Hoằng Phong.

Đình làng Phú Khê (xã Hoằng Phú) không chỉ có kiến trúc cổ đặc sắc mà còn lưu truyền câu chuyện thú vị về Nhị vị thành hoàng làng được thờ tự nơi đây.

Cùng với đình làng thì trống hội cung đình làng Phú Khê nổi tiếng xa gần, là thanh âm không thể thiếu trong các sự kiện, lễ hội lớn của làng, xã.

Nếu ví Hoằng Hóa là “bảo tàng” văn hóa văn nghệ dân gian thì múa sanh ngô (xã Hoằng Thắng) là điểm nhấn đắt giá, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của bảo tàng đó.

Lễ hội đua thuyền - một trong những hoạt động vui xuân mang tính cộng đồng của người dân xã Hoằng Đạt.

Đền thờ Triệu Quang Phục trên đất Hoằng Trung như nhắc nhở thế hệ cháu con về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử đáng ngưỡng mộ.

Không chỉ nổi danh về truyền thống hiếu học, huyện Hoằng Hóa là quê hương cách mạng ghi dấu nhiều chiến công lưu danh sử sách. Như chiến công của Trung đội lão dân quân Hoằng Trường băn rơi máy bay của giặc Mỹ.

Di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) gắn với cuộc khởi nghĩa Hoằng Hóa giành chính quyền ngày 24 - 7 - 1945.

Bảo tàng Hoằng Hóa - địa chỉ thu hút khách tham quan với nhiều tư liệu, hiện vật về huyện Hoằng Hóa qua các thời kỳ phát triển

Du lịch biển Hải Tiến ngày càng sôi động, thu hút với những khách sạn, nhà hàng khang trang, hiện đại

Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến được tổ chức hằng năm như “phát súng lệnh” mở màn cho mùa du lịch sôi động trên vùng đất biển Hoằng Hóa

Chốn tâm linh nơi cửa biển nằm trong quần thể Khu du lịch văn hóa tâm linh Lạch Trường (xã Hoằng Trường) - điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách đến với huyện Hoằng Hóa.

Nét thơ mộng, trữ tình hoằ quyện trong không gian, quang cảnh thị trấn Bút Sơn ngày càng phát triển

Bên cạnh phần ảnh được tuyển chọn từ hàng trăm tấm ảnh chụp của tác giả về quê hương Hoằng Hóa, tập postcard của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn còn gây ấn tượng khi lồng ghép vào đó những câu nói, nhận định, đánh giá từ các bậc tiền nhân, lịch sử liên quan đến nội dung ảnh.

Postcard, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là tấm bưu thiếp được thiết kế một cách tỉ mỉ, công phu, trang trọng trên phần giấy cứng với hai phần chính: phần dành cho ảnh và phần dành để viết lời chúc, thông điệp ngắn gọn, hàm súc gửi đến gia đình, người thân, bạn bè… nhân các dịp, sự kiện đặc biệt.

Tập postcard “Hoằng Hóa văn vật” tập hợp 20 bức ảnh chụp về các di tích lịch sử - văn hóa, địa danh, thắng cảnh đẹp, nổi tiếng, trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu trên quê hương Hoằng Hóa được tuyển chọn trong kho tàng ảnh phong phú do Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn chụp trong nhiều năm qua.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa hàm chứa trong từng tấm postcarrd, tập postcard của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn như cẩm nang, bản đồ chỉ dẫn cho khách du lịch những điểm đến hấp dẫn của huyện Hoằng Hóa. Tập postcard càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi được ra mắt vào dịp cuối năm, khi Tết sắp đến xuân sắp về. Đây sẽ là món quà xuân độc đáo, ý nghĩa, nặng tình quê mà mỗi người muốn gửi trao cho nhau, từ đó góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người Hoằng Hóa.

HOÀNG LINH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/tap-postcard-hoang-hoa-van-vat-cua-nha-nghien-cuu-nguyen-huu-ngon-mot-mon-qua-xuan/22288.htm