Tập trận chung, Nga hứa với Trung Quốc sẽ không động binh với Ukraine trong 2 tuần
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết các đồng nghiệp Nga đã thông báo rằng Moscow không có kế hoạch quân sự với Ukraine trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội kéo dài khoảng hai tuần.
Nga đã tiến hành một đợt tập trận hải quân chung với Trung Quốc vào thời điểm cả hai nước đang cùng rất căng thẳng với Mỹ liên quan đến Ukraine.
Nga - Trung cùng gặp vấn đề với Mỹ
Các tàu chiến của Nga và Trung Quốc cùng tham gia cuộc tập trận chống cướp biển "Biển yên bình-2022" ở biển Ả Rập. Cuộc diễn tập có sự tham gia của tàu tuần dương tên lửa lớp Slava Varyag, tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn lớp Udaloy và tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma của Hạm đội Thái Bình Dương Nga cũng như tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Urumqi và tàu tiếp vận Type 903A Taihu của Hải quân Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết hải quân hai nước đã làm việc cùng nhau trong việc điều động chiến thuật, kiểm tra và giải thoát một con tàu được mô phỏng là đã bị cướp biển bắt giữ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc lại hành trình này của cuộc tập trận và ca ngợi cuộc tập trận là một minh chứng cho mối quan hệ ngày càng tăng giữa hai cường quốc và các lực lượng vũ trang của họ.
Phía Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết: "Cuộc tập trận càng làm phong phú thêm nội hàm của mối quan hệ phối hợp đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga trong thời kỳ mới, tích lũy kinh nghiệm hữu ích để hai bên cùng thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển, đồng thời nâng cao năng lực và trình độ của quân đội hai nước, cùng nhau đối phó với các mối đe dọa hàng hải và duy trì sự an toàn của các kênh chiến lược hàng hải".
Đây là cuộc diễn tập hải quân chung thứ ba có sự tham gia của hai quốc gia trong một tuần. Vào ngày 18 và 20.1, các tàu của Trung Quốc và Nga đã cùng Iran tập trận ở Vịnh Oman. Trước đó, cũng diễn ra một loạt các cuộc tập trận chung trên biển ở Thái Bình Dương và các cuộc tập trận trên bộ do Trung Quốc và Nga tiến hành vào năm ngoái và những năm trước đó.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh đã được chứng minh là một trong những bước phát triển địa chính trị quan trọng của thế kỷ 21. Trong lúc các quan chức Nga như đại sứ tại Trung Quốc Andrey Denisov đã nhiều lần bác bỏ khái niệm về một liên minh quân sự chính thức, thì liên minh thương mại của hai nước đang tạo một mối đe dọa kinh tế với Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga hôm thứ Ba, Denisov cho biết hai quốc gia "đang chuyển đổi đồng tiền quốc gia" khi nói đến các giao dịch song phương. Và mặc dù hai nước không có kế hoạch "chuyển đổi hoàn toàn", ông cho rằng việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng có thể "phần nào đẩy nhanh quá trình".
Denisov nói rằng đây là "một vấn đề khá phức tạp với nhiều yếu tố đòi hỏi công việc đàm phán quan trọng", nhưng hai cường quốc đã sẵn sàng để vượt qua nó.
"Điều quan trọng nhất là bất kỳ diễn biến nào trong các trường hợp trừng phạt khác nhau sẽ không cản trở sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế và thương mại của chúng tôi", Denisov nói và nói thêm rằng ông không tin rằng các báo cáo cho thấy Mỹ đang xem xét cắt Nga khỏi Hệ thống Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. (SWIFT).
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ trừng phạt Nga và thậm chí chính Tổng thống Vladimir Putin bằng các biện pháp mạnh mẽ, chưa từng có nếu Điện Kremlin quyết định theo đuổi các hành động quân sự đối với Ukraine. Các quan chức Moscow đã phủ nhận kế hoạch tiến quân vào láng giềng nhưng đã dồn hàng chục nghìn quân gần biên giới và yêu cầu Kiev không được gia nhập liên minh quân sự phương Tây NATO.
Cảnh báo đã được Mỹ nhắc lại hôm thứ Ba, cùng với lời đe dọa về việc triển khai thêm quân đội ở các quốc gia thành viên NATO lân cận. Cảnh báo lần này do đích thân Tổng thống Joe Biden đưa ra. Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Tôi đã sớm nói rõ với Tổng thống Putin rằng nếu ông ấy chuyển quân đến Ukraine, thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế đáng kể, cũng như tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải tăng cường sự hiện diện của chúng tôi, sự hiện diện của NATO ở mặt trận phía đông: Ba Lan, Romania...”
Mặc dù Nhà Trắng đã loại trừ việc cử quân đội Mỹ đến Ukraine, nhưng mối đe dọa trừng phạt đối với Putin, chính quyền của ông và các tổ chức khác của Nga đã vấp phải sự phản ứng từ Moscow. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng một động thái như vậy có thể dẫn đến quan hệ giữa Mỹ và Nga sụp đổ hoàn toàn.
Nga hứa với Trung Quốc không động đến Ukraine
Khi các mối quan hệ này xấu đi, Trung Quốc đã thận trọng theo dõi bên lề. Denisov tuần trước cho biết "các đối tác Trung Quốc chứng tỏ sự hiểu biết đầy đủ và toàn diện về quan điểm của Nga".
Mối quan hệ của chính Bắc Kinh với Washington đã trở nên xấu đi đáng kể trong những năm gần đây với việc Mỹ đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Olympic Mùa đông sắp khai mạc tại Bắc Kinh. Lý do tẩy chay của Mỹ kèm theo cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và căng thẳng âm ỉ giữa hai cường quốc hàng đầu ở châu Á- Vùng Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, căng thẳng ở Ukraine cũng bùng phát khi có kế hoạch tổ chức sự kiện thể thao toàn cầu. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun hôm thứ Ba cho biết các đồng nghiệp Nga đã thông báo rằng Moscow không có kế hoạch quân sự với Ukraine trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội kéo dài khoảng hai tuần.
Zhang nói với các phóng viên:“Mong muốn lớn lao tôi rằng tất cả các quốc gia, các bên trong các cuộc xung đột hiện tại sẽ tuân theo nghị quyết đình chiến tại Thế vận hội. Liên quan đến tình hình Ukraine, chúng tôi đã nhận được thông tin từ Nga rằng họ không có ý định phát động bất kỳ cuộc chiến nào. Điều chúng ta nên làm lúc này là kêu gọi tất cả các bên cùng đi đến bàn đàm phán và tìm ra giải pháp thông qua đối thoại".
Sở dĩ có lo ngại như vậy là chiến tranh giữa Nga và Gruzia, một đối thủ láng giềng khác có nguyện vọng gia nhập NATO, đã nổ ra trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với Newsweek, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã bác bỏ bất kỳ thứ gì so sánh giữa hai tình huống.
Ông Antonov nói "điều rất quan trọng cần ghi nhớ" rằng cuộc xung đột năm 2008 được khởi đầu bởi "một cuộc xâm lược vũ trang của chế độ Saakashvili của (Tổng thống Gruzia lúc đó – Mikheil). Người này được Mỹ và các đồng minh o bế đã sử dụng đúng thời điểm khi sự chú ý của toàn thế giới đang bị thu hút bởi Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh để thực hiện tội ác của mình đối với người dân Abkhazia và Nam Ossetia. Cuộc tấn công vô cớ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, gồm cả binh lính gìn giữ hòa bình của Nga. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngăn chặn kẻ điên ở Tbilisi và quân đội của chúng tôi chỉ có thể phản ứng 24 giờ sau khi hành vi phạm tội trắng trợn và ghê tởm chống lại hòa bình ở Kavkaz xảy ra".
Và mặc dù đại sứ Nga tại Washington từ chối bất kỳ sự phối hợp trực tiếp nào với Trung Quốc về tình hình hiện tại ở Đông Âu, nhưng ông cho biết Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong các vấn đề quốc tế.
Antonov nói vào thời điểm đó: “Bất kỳ sự phối hợp nào giữa Nga và Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine đều là vô nghĩa. Mặc dù nói rộng hơn, chắc chắn rằng tình hình hiện nay trên thế giới đang thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh. Nhưng không giống như Mỹ và các đồng minh NATO, chúng tôi không có kế hoạch địa chính trị và nhằm chống lại bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.
Chính sách đối ngoại của Nga là nhằm tạo ra một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định và bền vững dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia”.