Tập trung các giải pháp giúp người lao động 'sống chung với Covid-19'
Dịch Covid-19 đã xâm nhập các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đe dọa sản xuất các tỉnh thành phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Dự báo, dịch bệnh nếu tiếp tục tác động xấu tới khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động phải cách ly, ngừng việc có thể lên tới 2 đến 2,5 triệu người.
Ngày 29/6, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 mục tiêu
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, những tháng vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước trong khu vực; trong nước, các đợt dịch bùng phát đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021.
Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư công chậm; cán cân thương mại có xu hướng chuyển sang nhập siêu; áp lực lạm phát gia tăng; sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng dịch bệnh và người lao động tại các khu công nghiệp có dịch...
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở kết quả Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương ngày 16/6, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Với 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu, bao gồm: Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững;
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm; trong đó đến hết quý III năm 2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch; Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.
Thêm 26.000 tỷ đồng sắp đến tay người lao động khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động.
Trong Nghị quyết 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế sau những tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, Dữ liệu lao động việc làm của Việt Nam mới được công bố với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Chưa tính đến các thiệt hại do làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đang diễn ra, dù thị trường lao động Việt Nam đã chứng kiến những xu hướng hồi phục khả quan trong quý IV/2020, thì các chỉ số về tỷ lệ tham gia thị trường lao động, số lượng và chất lượng việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, với hơn 70% người lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, nơi đại dịch đã để lại di chứng lên khoảng 2/3 số lao động. Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Thu nhập của người lao động thường tăng cao vào các quý cuối cùng của năm, nhưng trong năm 2020 lại ở mức thấp hơn năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2020 là 5.502 nghìn đồng, và thu nhập bình quân tháng của cả năm là 5.497 nghìn đồng, giảm 2,3% so với năm 2019. Điều này sẽ tác động ngược lại nền kinh tế, do các hộ gia đình có ít tiền túi hơn để đảm bảo tính bền vững của tiêu dùng nội địa, của cả nền kinh tế và việc làm
Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật chiều 29/6, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo nghị quyết hỗ trợ lần này sẽ bổ sung nội dung mới so với Nghị quyết 42/2020 (gói 62.000 tỷ đồng). Theo đó, Tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 là hơn 26.000 tỷ đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan soạn thảo và các bộ ngành liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị về đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát để đảm bảo chính sách phủ kín được người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung nhóm lao động tự do. Nghị quyết phải kịp thời hiệu quả, đúng đối tượng, minh bạch, đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân và thực tế, không để xảy ra tiêu cực.
Tháng 4/2020, gói an sinh 62.000 tỷ đồng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất được Chính phủ ban hành. Dự kiến 35.880 tỷ hỗ trợ 20 triệu người thuộc nhóm chính sách xã hội, lao động phi chính thức, lao động khu vực chính thức mất việc làm, hộ kinh doanh. Khoảng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho lao động.
Ngoài ra, thêm nhóm chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động với 3.000 tỷ trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tới tháng 5/2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) cho 13,2 triệu người.
Ủy ban Kinh tế ngày 15/6 đánh giá các chính sách chưa thực sự "chạm" tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%.
Theo Ủy ban, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua, từ đó đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả hơn.
Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vaccine không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Những ảnh hưởng này trên cả phương diện thiệt hại về tiềm năng con người và tiềm năng kinh tế, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng đều sẽ gia tăng.