Tập trung các giải pháp quyết liệt xử lý nợ đọng thuế

Trong lúc các doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình khôi phục SXKD, nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư, thì không ít DN còn chây ì, nộp thuế chậm, dẫn đến các khoản nợ thuế tăng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, ngành Thuế tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu hồi nợ đọng, không để phát sinh nợ mới, áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định và chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Công ty TNHH Star Engineers Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất và kinh doanh các linh kiện điện tử dành cho xe máy, chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với NSNN hằng năm. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty TNHH Star Engineers Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất và kinh doanh các linh kiện điện tử dành cho xe máy, chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với NSNN hằng năm. Ảnh: Nguyễn Lượng

Xác định công tác xử lý, thu hồi nợ thuế là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chống thất thu NSNN, từ đầu năm đến nay, ngành Thuế tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ, linh hoạt; ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, yêu cầu các phòng chức năng trực thuộc và các Chi cục Thuế thành phố, khu vực trong tỉnh tăng cường công tác quản lý nợ, thực hiện các biện pháp thu hồi, xử lý và cưỡng chế nợ thuế; đồng thời giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2022 cho các đơn vị.

Tuy nhiên, do những tác động bởi dịch Covid-19 từ những năm trước ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của người dân và DN, cộng với việc giá xăng, dầu tăng cao, khiến hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều gặp khó khăn.

Không ít DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN; một số khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn, cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế (NNT) vẫn còn khó khăn về dòng tiền, vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số DN chưa chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế, dẫn đến số thuế nợ cũ chưa nộp hết thì nợ mới đã phát sinh, tác động bất lợi đến việc thực hiện các giải pháp xử lý và thu hồi nợ thuế.

Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh là trên 1.361 tỷ đồng, giảm hơn 10,3 tỷ đồng (tương đương 1% so với thời điểm cuối tháng 12/2021).

Trong đó, nợ thuế có khả năng thu là gần 1.060 tỷ đồng (tăng hơn 23 tỷ đồng, tương đương 2% so với cuối năm 2021), chia theo các lĩnh vực: Nợ của khối DN ngoài quốc doanh trên 814 tỷ đồng (tăng hơn 9 tỷ đồng so với cuối năm 2021); nợ của hộ kinh doanh gần 132 tỷ đồng (giảm xấp xỉ 14 tỷ đồng, tương ứng 10% so với cuối năm 2021); nợ của khối DN Nhà nước trung ương trên 35 tỷ đồng (giảm 2% so với cuối năm 2021); nợ của khối DN Nhà nước địa phương hơn 45 tỷ đồng (tăng 42% so với cuối năm 2021); nợ của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài trên 32 tỷ đồng (tăng gần 15 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021).

Trong tổng số nợ thuế có khả năng thu có khoản nợ gần 334 tỷ đồng của 208 DN hiện đang trong tình trạng gặp nhiều khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ, hầu như không hoạt động kinh doanh mà vẫn kê khai thuế,.

Nợ thuế khó thu trên địa bàn toàn tỉnh đến hết tháng 6/2022 còn trên 222 tỷ đồng. Đây là khoản nợ của các DN bỏ địa điểm kinh doanh, giải thể, phá sản; NNT qua đời hoặc mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự...

Số nợ khó thu giảm 13%% so với thời điểm cuối năm 2021, là do ngành Thuế tỉnh thực hiện rà soát, xử lý xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Nợ thuế đang xử lý, giải quyết khiếu nại tính đến hết tháng 6/2022 là hơn 79 tỷ đồng, bao gồm nợ thuế của một số DN gặp vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất, phát sinh nợ tiền sử dụng đất; tiền chậm nộp do vướng về thủ tục miễn, giảm, ưu đãi thuế.

Quyết tâm giảm tình trạng nợ đọng thuế căn cứ theo chỉ tiêu thu nợ thuế, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2022 do Tổng cục Thuế giao, đảm bảo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai công tác rà soát, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng NNT; phân loại khoản nợ theo đúng tính chất nợ của từng trường hợp cụ thể, làm cơ sở để triển khai áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và thu nợ phù hợp.

Cơ quan thuế các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động SXKD; hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế để NNT yên tâm, ổn định kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với NSNN.

Đối với tiền thuế nợ khó thu, bộ phận quản lý nợ phối hợp với các bộ phận chức năng và cơ quan liên quan thu thập, bổ sung, hoàn thiện, lập đầy đủ hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Chính phủ và Luật Quản lý thuế số 38.

Ngành Thuế cũng thực hiện việc cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế, lồng ghép với công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các đối tượng NNT; ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử để đôn đốc, nhắc nhở NNT chấp hành nghĩa vụ thuế với NSNN.

Đến hết tháng 6/2022, toàn ngành Thuế tỉnh thu được xấp xỉ 290 tỷ đồng thuế nợ đọng của năm 2021 chuyển sang 2022. Trong đó, thu nợ bằng chứng từ đạt trên 197 tỷ đồng; thu từ điều chỉnh nợ đạt trên 29 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ đạt gần 63 tỷ đồng.

Thực hiện khoanh nợ cho hơn 1.540 NNT với tổng số tiền trên 248 tỷ đồng và xóa nợ gần 132 tỷ đồng tiền nợ thuế cho 423 NNT theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Đồng thời, khoanh nợ được 575 NNT với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng theo Luật Quản lý thuế số 38.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81159/tap-trung-cac-giai-phap-quyet-liet-xu-ly-no-dong-thue.html