Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng ở Phù Ninh
PTĐT - Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng luôn được huyện Phù Ninh xác định là khâu đột phá, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cơ bản thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Huyện đã tập trung quán triệt trong hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ vậy, sau 20 năm tái lập, hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt của huyện từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.
Để huy động, lồng ghép các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ông Đào Ngọc Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh; hoàn thành chương trình phát triển đô thị thị trấn Phong Châu đến năm 2020 và đề án công nhận thị trấn Phong Châu là đô thị loại V; thực hiện tốt công tác quy hoạch chi tiết khu, cụm công nghiệp và việc huy động tổng hợp các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên giao thông, thủy lợi, điện, cấp nước, hạ tầng văn hóa-xã hội, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Chỉ tính năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư ước đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Huyện đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư do đó hệ thống giao thông trên địa bàn có bước phát triển đột phá. Tỷ lệ giao thông trên địa bàn huyện được cứng hóa đạt 66,2%. Trong đó, có 69% các đường liên thôn, trục chính quy mô mặt đường cứng hóa >5m. Riêng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đạt trên gần 400 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn trên, trên địa bàn đã và đang thi công xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm: Tuyến TL 323D, 323G. Đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông các xã, thị trấn: Trạm Thản, Phù Ninh, Phú Lộc, Trị Quận, Trung Giáp, Bảo Thanh, Gia Thanh, Tiên Phú và thị trấn Phong Châu, đường HLP3 và các tuyến nhánh, đường từ TL323E đi khu xử lý rác thải Trạm Thản. Duy tu các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo an toàn giao thông. Các công trình giao thông được đầu tư tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong và ngoài địa bàn huyện; phục vụ thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Nhờ phát triển hệ thống giao thông, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tại 2 cụm công nghiệp Tử Đà- An Đạo, Cụm Công nghiệp Đồng Lạng đẩy mạnh sản xuất. Cụm Công nghiệp Phú Gia đang triển khai đầu tư hạ tầng thu hút doanh nghiệp, hiện đã có 4 nhà đầu tư đăng ký vào dự án. Trên địa bàn huyện có 323 doanh nghiệp, hơn 1.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 6 làng nghề truyền thống. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện có nhiều tăng trưởng, giá trị tăng thêm năm 2018 (giá so sánh 2010) thương mại-dịch vụ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, hàng năm, các xã, thị trấn đều tổ chức nạo, vét kênh mương để phục vụ sản xuất. Nhiều trạm bơm lớn nhỏ được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ phát triển bền vững sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng thu hút kinh doanh dịch vụ đa mục tiêu. Thực hiện chương trình phát triển mạng lưới điện, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tập trung huy động trên 470 tỷ đồng xây dựng mạng lưới điện, nâng cấp khắc phục tình trạng thiếu điện, chất lượng điện kém; đáp ứng kịp thời cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, dịch vụ. Hạ tầng thông tin, truyền thông phát triển nhanh, phủ sóng 3G tới 100% khu dân cư, cáp quang được kéo tới 100% trung tâm xã, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ chăm sóc y tế, giáo dục, cho đến đời sống văn hóa, các dự án trọng điểm của lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng. Đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT; mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; từng bước đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng văn hóa như: Nâng cấp các sân chơi bãi tập cho hoạt động thể dục, thể thao, tiếp tục thi công nghĩa trang chiến dịch Trạm Thản... Đến nay, 100% khu dân cư có nhà văn hóa...Thời gian tới, huyện Phù Ninh tiếp tục chủ động thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, cấp nước và hạ tầng văn hóa-xã hội, hạ tầng các cụm, khu công nghiệp. Áp dụng linh hoạt các biện pháp huy động và lồng ghép các nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm và triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình. Chú trọng công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành; xử lý hiệu quả nợ đọng xây dựng cơ bản, phấn đấu đến năm 2020 nguồn vốn đầu tư xã hội đạt 8.000-8.500 tỷ đồng; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 65-70%; kênh mương nội đồng cứng hóa đạt 20-25%...