Tập trung cao độ, quyết liệt để phục hồi sản xuất nông, lâm nghiệp sau bão và mưa, lũ, sạt lở
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện 17/CĐ-UBND ngày 29/9/2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông lâm nghiệp sau bão và mưa, lũ, sạt lở.
Thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão và mưa lũ.
Trước những thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhân dân, Nhà nước do bão số 3 và hoàn lưu bão, trong đó chịu tác động rộng lớn cả về quy mô, địa điểm và đối tượng đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung cao độ, quyết liệt, đồng bộ, nhanh nhất có thể để khôi phục, bù đắp, thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp đảm bảo ổn định đời sống của Nhân dân. Trong đó nghiên cứu kỹ để tập trung triển khai, thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường, tích cực đôn đốc, tổ chức kiểm tra, rà soát thực địa, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp thống kê thiệt hại một cách nhanh nhất, kịp thời, chính xác nhất theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể, chi tiết đối với từng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn theo hướng: Rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn và dự kiến được kết đạt được... trong việc rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, phục hồi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả cao nhất đối với các nguồn hỗ trợ từ cấp trên, của các tổ chức, cá nhân.
Tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo định hướng chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất trong trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi; đặc biệt quan tâm việc cung ứng các vật tư đầu vào như giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón tại các khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do thiên tai để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2025.
Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; mỗi người làm việc bằng hai để khắc phục khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh...
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực công tác phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương: Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão; chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy sản xuất tại các địa bàn ít ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão để chủ động điều tiết cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi để khắc phục sau thiên tai….
4. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động tích cực chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng sau thiên tai; kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai để trục lợi...
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của Bộ Tài chính để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất đối với các địa bàn, địa phương, đối tượng bị ảnh hưởng do bão số 3 và hoàn lưu bão, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, đề xuất chính sách miễn, giảm phí, lệ phí cho các đối tượng bị thiệt hại.
6. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ; tiếp tục xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão theo các quy định của pháp luật hiện hành...
7. Các sở, ban, ngành; các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động, tích cực để có các giải pháp, việc làm thiết thực, hiệu quả, chung tay cùng Nhân dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh; huy động mọi nguồn lực từ các đối tác, các tổ chức, cá nhân để có nguồn tài chính, vật tư, tư liệu sản xuất, nhanh chóng hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chi tiết nội dung Công điện 17/CĐ-UBND xem .