Tập trung chăm sóc cây trồng trong đợt rét
Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, từ ngày 19/2 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kết hợp với rét đậm kéo dài, nhiệt độ vùng đồng bằng từ 12 -16 độ C, vùng núi 11 - 13 độ C làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loại cây trồng. Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 2615/SNNTTBVTV về chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 thích ứng với thiên tai, giá vật tư nông nghiệp tăng cao và COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó có các giải pháp chăm sóc và phục hồi cây trồng sau các đợt rét, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo nông dân tích cực chăm sóc các loại cây trồng, hạn chế tối đa sự tác động bất lợi của giá rét.
Đợt rét có nhiệt độ xuống thấp này xảy ra khi các loại cây trồng bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả đang trong thời kỳ nuôi quả, phân hóa mầm hoa, ra hoa, ra lá mới, nguy cơ các loại cây công nghiệp, cây ăn quả bị rụng quả, rụng hoa, ảnh hưởng đến phát triển là rất cao. Để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 thắng lợi, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường cán bộ về cơ sở chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp chăm sóc cây trồng trong đợt rét đậm, rét hại; phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra.
Đối với cây lúa, điều tiết mực nước trong ruộng phù hợp để giữ ấm cho cây lúa; tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá như: Atolic, KaliHumat, Siêu kali… để giúp cho cây lúa chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C, bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá... để tăng khả năng chống rét cho lúa.
Đối với rau, màu và cây công nghiệp, cây ăn quả, tiến hành đào rãnh, khơi thông dòng chảy; bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét đậm, rét hại; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không được bón phân, phun thuốc cho cây hồ tiêu khi thời tiết đang mưa rét. Khi thời tiết thuận lợi, tăng cường chăm sóc và bón phân cân đối (tăng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, chế phẩm vi sinh vật, phân kali, phân lân và phun các loại phân bón lá chuyên dùng) để hạn chế hiện tượng rụng lá, rụng quả. Tiến hành chăm sóc khi thời tiết khô ráo, ấm, thu gom cây bệnh trong vườn đưa ra để đốt. Chú ý tạo rãnh thoát nước tốt để hạn chế độ ẩm trong vườn tiêu khi mưa lớn và kéo dài; tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại chính như: Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, tuyến trùng...
Thường xuyên thăm vườn cây ăn quả để kịp thời thoát nước, phát hiện và xử lý tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại. Tăng cường bón phân lân, kali, xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt tán cây, giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn... để tránh hiện tượng nứt, rụng quả, rụng hoa…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong chỉ đạo sản xuất và phòng, chống sâu, bệnh. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các địa phương các giải pháp chăm sóc cây trồng trong và sau rét; phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng, bản tin nông nghiệp của ngành để thông báo tình hình diễn biến thời tiết bất thuận và các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch hại kịp thời, hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành và các cơ quan liên quan để phân công cán bộ phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất. Chủ động phối hợp với nhiều kênh thông tin tuyên truyền, nhất là trên trang nông nghiệp của ngành để thông tin kịp thời đến nông dân tình hình diễn biến thời tiết bất thuận, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.
Báo Quảng Trị, Đài Phát thanhTruyền hình tỉnh và các đài địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền về tình hình thời tiết bất thuận, công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên các loại cây trồng và các chủ trương, biện pháp chỉ đạo sản xuất cho cán bộ cơ sở và nông dân được biết để tuân thủ mọi sự chỉ đạo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương nhằm thực hiện sản xuất đạt hiệu quả cao.
Với sự chỉ đạo sát sao tình hình sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng với kinh nghiệm và sự nỗ lực của nông dân sẽ hạn chế tối đa những tác động của thời tiết bất thuận để vụ mùa đông xuân 2021 - 2022 đạt kết quả tốt.