Tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa

Vụ mùa năm nay, dưới sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, các loại cây trồng chính cơ bản gieo trồng trong khung thời vụ, đảm bảo kế hoạch. Thời điểm hiện nay, ngành chuyên môn tập trung đôn đốc các địa phương chủ động phòng, chống dịch hại, chăm sóc cây trồng.

Vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 19.322ha lúa và ngô. Trong đó, cây lúa gieo cấy được 14.080ha; cây ngô gieo trồng được 5.274ha. Hiện nay, lúa mùa sớm đang giai đoạn ôm đòng, trỗ bông; lúa mùa chính vụ đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tại các huyện Chợ Mới, Na Rì, Ba Bể một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây lúa như bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn đang gây hại. Dự báo, thời gian tới thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển và gây hại mạnh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng kiểm tra đồng ruộng.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng kiểm tra đồng ruộng.

Nhằm chủ động công tác phòng trừ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, đồng thời bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa năm 2022, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã chỉ đạo các địa phương phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, chủ động theo dõi, phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính để hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống kịp thời. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn cử công chức phụ trách nông, lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn, đôn đốc người dân nhận biết, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cụ thể: Đối với bọ rầy, tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác các đợt rầy, chỉ đạo phun trừ kịp thời khi rầy tuổi nhỏ. Hướng dẫn phòng trừ rầy theo Tiến bộ kỹ thuật về Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu Nilaparvata lugens, rầy lưng trắng Sogatella furcitera hại lúa. Chú ý, phòng trừ trên những diện tích lúa nếp, lúa lai; những diện tích cấy dầy, cấy nhiều dảnh, bón phân không cân đối; những diện tích nhiễm rầy nặng của năm trước. Phun trừ khi mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh bằng một trong các loại thuốc như: Chế phẩm sinh học nấm xanh Metarhzium, TASIEU 1.9EC, Selecron, Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP. Khi phun giữ nước trong ruộng từ 3-5 cm. Những ruộng có mật độ rầy cao phải phun kép 2 lần, cách nhau từ 5 - 7 ngày. Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của Rầy. Khi phun phải rẽ hàng lúa tạo thành băng, hạ thấp vòi phun để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy tập trung dưới bẹ và gốc lúa. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ rầy và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng rầy bùng phát trở lại.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ cần tăng cường điều tra, phát hiện sớm và phun trừ khi sâu tuổi nhỏ để bảo vệ lá đòng. Khi mật độ sâu > 10 con/m2 tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc TASIEU 1.9EC, Bitadin WP, Patox 95SP, Gà Nòi 95SP, Voliam Targo 063SC ...

Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ đối với bệnh đạo ôn lá, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (diện tích cấy giống nếp, giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước...). Khi lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một trong các loại thuốc như: Fuan 40EC 480ml, Ketomium, TP-Zep 18 EC, Filia 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC. Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5-7 ngày. Những diện tích bị bệnh đạo ôn lá gây hại, cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Phun diệt sâu hại ngô ở huyện Chợ Mới

Phun diệt sâu hại ngô ở huyện Chợ Mới

Những ruộng bị bệnh cần vệ sinh ruộng, nhặt bỏ lá già, lá bị bệnh sau đó phun trừ bằng một trong những loại thuốc như: KAMYCIN JAPANE 20SL, TP-Zep 18 EC, Anvil 5SC, Amistar top 325SC, Validacin 5L. Khi phun phải rẽ hàng lúa tạo thành băng, hạ thấp vòi phun để thuốc tiếp xúc trực tiếp với vết bệnh.

Diện tích ngô giai đoạn 3 – 4 lá bón phân thúc lần 1 kết hợp làm cỏ, vun gốc, lượng phân bón tính cho 1.000 m2: 8 – 10 kg đạm urê + 4 – 6 kg kali clorua. Diện tích ngô giai đoạn 7- 9 lá bón phân thúc lần 2 kết hợp làm cỏ, vun cao gốc chống đổ, lượng phân bón tính cho 1.000 m2: 16 – 20 kg đạm urê + 10 – 14 kg kali clorua. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP.... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá.

Đồng chí Hoàng Thanh Bình- Phó Chi Cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Để bảo đảm chăm sóc tốt lúa mùa, cán bộ Chi cục đã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, bón phân, tỉa dặm, sục bùn và phương pháp nhận biết, phát hiện, kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh trong điều kiện thời tiết vào thu, nhất là bệnh sâu đục thân để phòng trừ kịp thời. Đối với trà lúa sớm, cần bón thúc khi lúa bắt đầu trỗ bông theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và theo dõi chặt chẽ sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202208/tap-trung-cham-soc-cay-trong-vu-mua-982130b/