Tập trung chăm sóc lúa hè thu

Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 22.600 ha lúa, thời điểm này, cây lúa đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng, việc chăm sóc tốt cho cây lúa từ nay đến cuối vụ sẽ đảm bảo cho năng suất, chất lượng lúa gạo cao hơn.

Nông dân các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây lúa -Ảnh: L.A

Nông dân các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây lúa -Ảnh: L.A

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, nhờ tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, đảm bảo đầy đủ nước tưới nên đến thời điểm này, đã có hơn 90% trong diện tích hơn 6.800 ha lúa hè thu toàn huyện đã bước vào thời kỳ trổ bông - vào chắc. Dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch trà đầu ở một số xã như Hải Định, Hải Dương; thu hoạch đại trà từ ngày 20 - 25/8 và cơ bản hoàn thành thu hoạch trước ngày 30/8. Theo ông Đức, qua điều tra đồng ruộng đã phát hiện một số loại sâu bệnh như: bệnh khô vằn, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại… phát sinh, gây hại rải rác.

Để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường thăm đồng để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Điều chỉnh nước trên ruộng hợp lý, không để khô hạn trong giai đoạn này, giúp cây lúa phát triển tốt, trổ tập trung, nhất là những chân ruộng bị thiếu nước.

“Với điều kiện thời tiết thuận lợi, dự báo từ nay đến cuối vụ các đối tượng sâu bệnh hại vẫn có khả năng bùng phát, lây lan nếu không được phòng trừ kịp thời. Do đó, nông dân cần theo dõi chặt chẽ để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, tránh tư tưởng chủ quan làm thiệt hại đến năng suất thu hoạch”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông, diện tích lúa trổ đạt trên 13.000 ha. Tuy nhiên, thời gian qua thời tiết khô hạn kết hợp các đợt mưa dông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: diện tích bị chuột phá hoại trên 500 ha, bệnh khô vằn gần 840 ha, nhện gié gần 630 ha.

Đặc biệt rầy các loại đã bắt đầu phát sinh gây hại rải rác với diện tích khoảng 19 ha. Mật độ phổ biến từ 500 - 700 con/m2, nơi cao lên đến 1.000 - 1.500 con/m2 . Dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng xen kẽ có mưa rào và giông sẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ nếu không được phòng trừ kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang thông tin, để chủ động chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn trước, trong và sau trổ. Cụ thể, đối với diện tích lúa chưa trổ, cần tăng cường chăm sóc, đặc biệt trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu kali như: kali humat, siêu kali... để phun lên lá giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã.

Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380 C, nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi mao, ở những chân ruộng có điều kiện, cần giữ nước cao trong ruộng lúa từ 10 - 15 cm nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông. Trước khi thu hoạch 5 - 7 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch. Lưu ý tăng cường điều tra phát hiện để kịp thời phòng trừ nhện gié khi có triệu chứng gây hại với tỉ lệ từ 5% trở lên.

Theo dõi chặt chẽ mật độ rầy, sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng; tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi có mật độ trên 750 con/m2 ; phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những nơi có mật độ khoảng 10 - 20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1 - 2 hoặc sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày. Tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn, bạc lá vi khuẩn tránh để bệnh lây lan ra diện rộng.

Tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như dùng bẫy, bã kết hợp sử dụng các loại thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, các thuốc có hoạt chất thế hệ mới. “Đồng thời kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao. Khi xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng và tranh thủ thu hoạch kịp thời diện tích lúa đã chín trên 85%.

Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn trổ, chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín. Đối với lúa đang ở giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp. Sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát”, ông Trang lưu ý thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tap-trung-cham-soc-lua-he-thu/179091.htm