Tập trung chăm sóc lúa vụ mùa, hè thu-mùa ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Trong những ngày qua, trên lúa mùa, lúa hè thu-mùa ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện nhiều loại sinh vật gây hại. Dự báo trong những ngày tới thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng gây hại phát sinh. Để bảo vệ sản xuất, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng, chống.

Phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, lúa 2025 tại các tỉnh Bắc Bộ đã bắt đầu gieo cấy.
Xuất hiện nhiều sinh vật gây hại lúa
Tính đến ngày 10/7, khu vực Bắc Bộ đã gieo cấy được gần 417 nghìn ha lúa mùa và khoảng 36 nghìn ha mạ. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, tính đến đầu tháng 7 diện tích lúa -mùa đã gieo cấy khoảng 280 nghìn ha, đạt 93,4% so với kế hoạch.
Trong đó, khoảng 131 nghìn ha trà lúa sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và làm đòng; hơn 117 nghìn ha trà lúa chính vụ ở giai đoạn đẻ nhánh, còn lại hơn 31.700ha là các trà lúa muộn.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa ở các địa phương đang bị các loại sinh vật gây hại. Trong đó, chủ yếu là các loại sinh vật chính như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy gây hại lúa tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị; sâu đục thân hai chấm gây hại lúa tại Nghệ An; ốc bươu vàng gây hại lúa ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị; bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá gây hại lúa tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An; chuột gây hại lúa tại các tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Trị, thành phố Huế…
Trong những ngày tới, thời tiết ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục nắng nóng mưa đan xen. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tiếp tục phát sinh.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, dự báo ốc bươu vàng, chuột sẽ tiếp tục gia tăng gây hại trên lúa mùa tại các tỉnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, rầy nâu-rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn...cũng gây hại ở mức nhẹ.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 đã và đang ra rộ, gây hại trên lúa trà muộn. Sâu non lứa 5 tuổi 1-2 gây hại rộ từ giữa đến cuối tháng 7, tiếp tục có khả năng gây trắng lá tại những diện tích có mật độ sâu cao nếu không được phun trừ kịp thời.
Cùng với đó, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa hè thu đứng cái làm đòng, gây vàng lá, cháy chòm tại những diện tích có mật độ sâu cao nếu không được phun trừ kịp thời. Ngoài ra, các loại sinh vật gây hại khác như: ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bọ trĩ,... cũng có xu hướng phát sinh gây hại tăng tại các tỉnh trong vùng.
Tăng cường các biện pháp phòng, trừ
Trước tình trạng chuột sẽ tiếp tục gia tăng gây hại lúa mùa tại các tỉnh Bắc Bộ, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương cần tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm.
Tùy theo tình hình cụ thể tiến hành từ ba đến năm đợt diệt chuột/năm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Hạn chế sử dụng ni-lông quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, để bảo vệ sản xuất, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các tỉnh trồng lúa khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung phòng trừ các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên lúa hè thu-mùa.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng cần tiến hành khoanh vùng theo trà lúa và chỉ đạo phòng trừ tại những diện tích có mật độ sâu cao, không phun thuốc tràn lan trên diện rộng.
Tiếp tục triển khai tốt công tác diệt chuột bằng tất cả các biện pháp, ưu tiên biện pháp thủ công và sử dụng các chế phẩm sinh học. Cùng với đó, ưu tiên áp dụng các biện pháp thủ công để thu gom, ngăn chặn ốc bươu vàng xâm nhập vào ruộng.
Khuyến cáo nông dân chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ không thể bắt bằng tay. Bà con cần lưu ý, khi sử dụng thuốc hóa học cần đắp bờ không để nước trong ruộng chảy ra mương máng trong ít nhất ba ngày; không phun thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, theo dõi phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân,...từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thành công cho các vụ sản xuất trong năm, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố khẩn trương ổn định bộ máy chuyên môn, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị liên quan, đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các nhiệm vụ của cấp huyện đã được chuyển lên cấp tỉnh hoặc về cấp xã; bố trí cán bộ bám địa bàn, bám đồng ruộng không để gián đoạn công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng.
Rà soát, hoàn thiện và triển khai kế hoạch sản xuất cho các vụ còn lại trong năm, bảo đảm tuân thủ đúng khung thời vụ và quy trình kỹ thuật đã được khuyến cáo, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. Có kịch bản chủ động để ứng phó với tình hình thời tiết bất thuận, thiên tai, dịch hại.