Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

 Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, tại phiên chất vấn các đại biểu đã nêu câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng và bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND. Nội dung chất vấn của các đại biểu đã được đồng chí Giám đốc Sở Tài chính trả lời đúng trọng tâm, không né tránh.

Qua phiên chất vấn ngày, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất tỉnh, Sở Tài chính, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo

Theo đó, đối với UBND tỉnh, báo cáo, đề xuất các cơ quan Trung ương tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện xử lý tài sản công, như: Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý tài sản công dôi dư theo hình thức thu hồi thuộc các dự án đấu thầu dự án có sử dụng đất; các tài sản công dôi dư của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất khi trên đất có tài sản công; quy định về hình thức thanh lý, phá dỡ sau sắp xếp đối với các tài sản công; quy định đấu giá đất sau khi đã thanh lý tài sản trên đất...

Cùng với đó, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; quy định về đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố mà đất làm nhà văn hóa và tiền xây dựng từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của Nhân dân, hoặc hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa; quy định việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ lại khu dân cư sau khi thực hiện tổ chức đấu giá tài sản.

 Các đại biểu tham gia phiên chất vấn

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ tài sản công vào cơ sở dữ liệu tài sản công quốc gia để theo dõi, quản lý; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của từng tài sản nhà, đất, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn tỉnh; đưa tài sản sau sắp xếp vào sử dụng, tuyệt đối không để bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp lại máy móc thiết bị và tài sản công khác hiện có thuộc phạm vi quản lý; đối với máy móc, thiết bị và tài sản công khác dôi dư (vượt tiêu chuẩn, định mức), đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản kịp thời báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo một số tài sản công dôi dư sau khi đã thực hiện sắp xếp theo quy định, mà phải chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng.

Đối với các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập. Hướng dẫn kịp thời, đầy đủ các quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khi tổ chức thực hiện, báo cáo cấp trên nếu vượt thẩm quyền.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý tài sản đất, nhà sau sáp nhập rà soát, lập phương án sắp xếp và xử lý tài sản bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính. Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn và xử lý các vi phạm (nếu có).

 Các đại biểu tham dự kỳ họp

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác lập sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị được tài trợ; rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư; xác định nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án xử lý theo hướng điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu và các hình thức khác theo quy định.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư; xác định nhu cầu sử dụng, đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, ĐVHC trên địa bàn. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND tỉnh và các văn bản quản lý, hướng dẫn, đôn đốc của tỉnh về sắp xếp lại, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả, tránh gây lãng phí, thất thoát.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do các huyện, thị xã, thành phố quản lý; xây dựng hình thức xử lý đối với từng tài sản nhà, đất phù hợp các loại quy hoạch, có tính khả thi cao; trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Rà soát, đưa các nhà văn hóa, sân vận động dôi dư làm điểm sinh hoạt cộng đồng cho các khu dân cư. Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập. Trong thời gian chưa xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư phải bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm thất thoát, xuống cấp hư hỏng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-trung-chi-dao-day-nhanh-tien-do-sap-xep-lai-xu-ly-tai-san-cong-doi-du-sau-sap-nhap-post302844.html