Đề xuất giải pháp tránh tái lập tình trạng bị ùn tắc đăng kiểm

Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn để tránh tái lập tình trạng bị ùn tắc đăng kiểm…

Sửa đổi nghị định để tránh tái lập tình trạng bị ùn tắc đăng kiểm… (Ảnh internet)

Sửa đổi nghị định để tránh tái lập tình trạng bị ùn tắc đăng kiểm… (Ảnh internet)

Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm từ quý 3, 4

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các địa phương đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện cùng với hàng loạt giải pháp tình thế lúc cấp bách, căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Do đó, tình trạng ùn tắc phương tiện tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) đã cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế, dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì từ quý 3, 4/2024 một số địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện tại các TTĐK, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm.

Phân tích nguyên nhân, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo số liệu thống kê đã có hơn 900 đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố tại 112 TTĐK của 42 địa phương sẽ bị thu hồi chứng chỉ ĐKV theo quy định tại điểm c khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, trong đó có 91 TTĐK tại 32 địa phương có từ 02 ĐKV trở lên bị khởi tố dẫn đến các TTĐK này phải bị dừng hoạt động 03 tháng theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, cùng với việc bị thiếu hụt ĐKV dẫn đến cả nước có tới 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn TTĐK để hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc này sẽ ảnh hưởng và thậm chí dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên đến các địa phương khác để kiểm định.

Sự việc xảy ra trong thời gian qua đối với lĩnh vực đăng kiểm là chưa có tiền lệ, một số TTĐK đã bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian dài liên tục (trên 12 tháng) từ các nguyên nhân khách quan như: thiếu nhân sự, sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, giải quyết thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy… mà không phải nguyên nhân do sai phạm dẫn đến bị tạm đình chỉ. Theo quy định hiện tại thì buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi dẫn đến thiếu hụt các đơn vị đăng kiểm để phục vụ nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới đồng thời gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan Công an thời gian vừa qua cho thấy, các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới cần được khẩn trương khắc phục bằng việc kịp thời bổ sung các quy định như: hướng dẫn các địa phương tiêu chí chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm, bổ sung chế tài xử lý đối với đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trong thực tiễn triển khai phát sinh một số các bất cập như: chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm. Do đó cần bổ sung quy định nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từng bước đi vào ổn định, cũng như hạn chế các thiệt hại không đáng có cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đây là trường hợp chưa có tiền lệ, phát sinh trong thực tiễn hoạt động kiểm định xe cơ giới đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua, do con người gây ra, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cá nhân, tài sản của Nhà nước và của các tổ chức khác (do các phương tiện giao thông không được kiểm định kịp thời dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...). Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2023/NĐCP và Nghị định số 139/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bốn nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sung

Về các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị định này, Bộ Giao thông vận tải muốn:

1. Loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm để tránh tái lập tình trạng bị ùn tắc nghiêm trọng phương tiện kiểm định do các đơn vị đăng kiểm bị thiếu đăng kiểm viên và bị dừng hoạt động, gây thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

2. Bổ sung thêm trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đã có quy định trong Nghị định hiện tại đối với trường hợp đơn vị đăng kiểm có sự thay đổi chủ sở hữu.

3. Bổ sung tiêu chí để giúp cho các địa phương có cơ sở trong việc xác định chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đưa phương tiện đi kiểm định, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có như thời gian và chi phí đi lại, phù hợp với tình hình phát triển kinh thế của địa phương.

4. Bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trên cơ sở thực tiễn trong thời gian vừa qua có rất nhiều sai phạm đã được phát hiện, xử lý.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đề xuất nêu trên là phù hợp thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành Nghị định để quy định “Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;” được nêu tại khoản 1 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để triển khai thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2020 (Luật số 61/2020/QH14). Đồng thời phù hợp thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Để các quy định nhanh chóng được áp dụng trên thực tế, tránh tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định như đã từng xảy ra trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giúp cho hệ thống đăng kiểm tránh bị đứt gãy, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đảm bảo cho hoạt động kiểm định xe cơ giới đi vào ổn định, tránh phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân, doanh nghiệp và xã hội cũng như cho chính đơn vị đăng kiểm. Vì vậy, Bộ GTVT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung một số điều đối với Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-xuat-giai-phap-tranh-tai-lap-tinh-trang-bi-un-tac-dang-kiem-153828.html