Tập trung chỉ đạo sản xuất ứng phó với các điều kiện thời tiết bất thuận

Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động mạnh trên khu vực biển Đông, nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão. Dự báo sẽ hướng về đất liền các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng tới các địa phương ven biển từ Ninh Bình trở vào đến Bình Định. Trong khi đó, các loại cây trồng vụ Thu Mùa 2024 trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch, đồng thời, Nhân dân đã bắt đầu gieo trồng các loại cây vụ Đông sớm. Tuy nhiên, tiến độ thu hoạch lúa Mùa rất chậm, trong khi thời tiết, khí hậu bất thuận có thể gây thiệt hại lớn đến kết quả sản xuất trồng trọt.

Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 25.000 ha lúa vụ mùa đã chín nhưng chưa được thu hoạch.

Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 25.000 ha lúa vụ mùa đã chín nhưng chưa được thu hoạch.

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 17/9 tổng diện tích cây trồng vụ Mùa đã thu hoạch đạt hơn 85.000ha; trong đó, diện tích lúa đã thu hoạch khoảng hơn 70.000ha, đạt trên 60% diện tích. Đáng chú ý, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 25.000 ha lúa đã chín nhưng chưa được thu hoạch.

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thời tiết gây ra, bảo vệ kết quả sản xuất vụ Thu Mùa năm 2024 và triển khai vụ Đông năm 2024-2025. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 5047/SNN&PTNT-BVTV đề nghị các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương một số công việc sau:

Khẩn trương thu hoạch diện tích cây trồng đã đạt 80% để hạn chế thiệt hại do mưa lớn.

Khẩn trương thu hoạch diện tích cây trồng đã đạt 80% để hạn chế thiệt hại do mưa lớn.

Đối với thu hoạch cây trồng vụ Mùa năm 2024

Tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh các loại cây trồng nhất là lúa, ngô, đã chín từ 80% trở lên với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch sớm các vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lớn và dông, lốc gây ra; rà soát, tổng hợp, chỉ đạo điều hành tốt các phương tiện máy móc, nhân công phục vụ thu hoạch cây trồng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng giữ đồng, bảo kê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng đối với diện tích cây trồng chưa đến thời gian thu hoạch; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống, khắc phục, chăm sóc cây trồng trước và sau mưa lớn (bó dựng lúa, gia cố giàn, dựng lại cây trồng khi bị đổ ngã...). Tu sửa, bảo trì máy móc, nạo vét, khơi thông hệ thống tiêu để sẵn sàng tiêu úng khi mưa lớn gây ngập úng.

Đối với diện tích lúa nếp địa phương (giống cảm quang) hiện nay đang bước vào giai đoạn trỗ bông, tổ chức thăm đồng thường xuyên làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại nhất là các đối tượng như bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân cuối vụ, cào cào, châu chấu, chuột...

Đối với sản xuất vụ Đông năm 2024 - 2025

Người dân xã Nga Yên (Nga Sơn) đang làm đất sản xuất vụ Đông.

Người dân xã Nga Yên (Nga Sơn) đang làm đất sản xuất vụ Đông.

Đối với diện tích đất đã thu hoạch cây trồng vụ Thu mùa nhưng chưa xuống giống cây vụ Đông cần thu hoạch lúa Mùa đến đâu tiến hành giải phóng đất ngay, áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu; tiêu kiệt nước mặt ruộng, vệ sinh tàn dư đồng ruộng, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, khi thời tiết thuận lợi nhanh chóng tiến hành đảm bảo thời vụ và kế hoạch đề ra.

Đối với diện tích vụ Đông đã trồng: Chỉ đạo khơi thông, tạo dòng tiêu nội ruộng, nội đồng, vun gốc chống ngập úng đổ ngã; sau mưa lớn khẩn trương chăm sóc, xới xáo phá váng, tạo sự thông thoáng cho bộ rễ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình hướng dẫn để cây trồng phục hồi và sinh trưởng tốt.

Nếu mưa lớn xảy ra, tạm dừng việc gieo trồng vụ Đông ngoài đồng ruộng, chỉ đạo việc chăm sóc cây trồng trong vườn ươm; khuyến cáo, hướng dẫn việc gieo ươm cây trồng trong bầu, bánh, vườn ươm ở những nơi khô ráo, có điều kiện phòng chống mưa lớn, ngập úng. Xây dựng phương án chủ động cung ứng bổ sung giống cây trồng vụ Đông nếu có thiệt hại xảy ra.

Tiếp tục rà soát, triển khai phương án và tổ chức sản xuất vụ Đông phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện sản xuất của địa phương với phương châm tăng tối đa diện tích cây trồng chính như ngô lấy hạt, ngô làm thức ăn chăn nuôi, rau màu vụ sớm; mở rộng rộng diện tích sản xuất các loại rau, màu có hiệu quả kinh tế cao gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng, nhất là đối tượng phục vụ chế biến và xuất khẩu như khoai tây chế biến, ớt xuất khẩu, ngô ngọt, đậu tương rau...; tăng cường tìm kiếm, liên hệ mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xúc tiến ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Đông cho nông dân.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình thời tiết, thông tin, báo cáo tiến độ sản xuất về Sở để phối hợp chỉ đạo và tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời theo quy định.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tap-trung-chi-dao-san-xuat-ung-pho-voi-cac-dieu-kien-thoi-tiet-bat-thuan-225240.htm