Đức Linh: Sạt lở, hư hỏng nhiều công trình giao thông do mưa lớn
Sáng nay (19/9), tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trên địa bàn huyện Đức Linh vừa có mưa lớn, gây thiệt hại nặng về đường giao thông và ngập lụt một số diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Đa Kai, Sùng Nhơn và Mê Pu.
Theo đó, đêm 17/9 và ngày 18/9, huyện Đức Linh có mưa to, trong đó các xã Đa Kai, Sùng Nhơn và Mê Pu ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể, mưa lớn đã làm sạt lở đất mái taluy dương đường giao thông nông thôn số 46 thôn 11 xã Đa Kai xuống mặt đường, chiều dài 50 m, khối lượng đất đá 875m3; lề đường giao thông nội đồng bị sạt lở 6 m, xoáy hàm ếch.
Bên cạnh, đường giao thông nội đồng ngã 3 Cây Sung bị sạt lở 50 m, xoáy hàm ếch và có nguy cơ tiếp tục xói lở, gây hư hỏng mặt đường, mất an toàn giao thông. Mưa lớn cũng làm 1 cầu giao thông nội đồng ở thôn 10 xã Đa Kai bị sạt lở hư hỏng; kênh tiêu suối Cọp bị sạt lở 30 m. Ngoài ra, về sản xuất nông nghiệp, mưa lớn gây ngập hơn 157 ha lúa mùa mới gieo sạ từ 5 - 12 ngày tuổi ở các xã Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu. Ước tổng giá trị thiệt hại hơn 1,45 tỷ đồng.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin về mưa, lũ cục bộ xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Linh cùng địa phương huy động lực lượng lập chốt cảnh báo, hướng dẫn an toàn giao thông trên tuyến đường bị sạt lở. Đồng thời huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ tiến hành thu dọn đất, đá sạt lở để đảm bảo giao thông, tạo thuận lợi cho người dân các xã vùng bị thiên tai hoạt động trở lại. Đối với diện tích lúa mùa đang bị ngập, tiến hành khơi thông dòng chảy, tạo thuận lợi tiêu thoát lũ nhanh hơn. Mặt khác, tiếp tục cử cán bộ, cùng người dân theo dõi, khi nước lũ rút tranh thủ chăm sóc, bón phân và thành lập tổ để đánh giá chính thức mức độ và tỷ lệ thiệt hại.
Mưa lớn trên địa bàn Đức Linh.
Trước diễn biến khó lường của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị UBND huyện Đức Linh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai có thể xảy ra để cảnh báo, chỉ huy ứng phó kịp thời.
Lưu ý các hiện tượng thời tiết như lốc, mưa lớn ở khu vực thượng nguồn, lũ, ngập úng và sạt lở đất đá ở các khu vực đồi dốc. Song song, kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá (nhất là các tuyến đường giao thông, nhà ở gần khu vực đèo, dốc) trên địa bàn huyện để cảnh báo kịp thời cho người dân, phương tiện lưu thông qua lại đảm bảo an toàn. Sau khi lũ rút khẩn trương kiểm tra, đánh giá, tổng hợp thiệt hại về cây trồng, lập danh sách, diện tích và tỷ lệ thiệt hại trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.