Tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 22/8, tiếp theo Chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Trong ngày 21/8 và sáng 22/8, đã có 9 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Từ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giải trình của các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2023 đạt mức cao kỷ lục
Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng; sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định chi tiết trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản; đã phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Chính phủ cũng đã tập trung đàm phán, giải quyết rào cản kỹ thuật nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; theo dõi sát diễn biến, nâng cao chất lượng dự báo cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, nhất là gạo, thịt lợn, thủy sản, rau quả để điều hành sản xuất phù hợp, cân đối cung - cầu, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu.
Báo cáo Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2023 đạt mức cao kỷ lục, trên 53 tỷ USD; xuất siêu 11 tỷ USD và 7 tháng năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và xuất siêu đạt 9,42 tỷ USD, tăng 60%.
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đã có 13.658 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, tăng 2.602 sản phẩm so với cuối năm 2023.
Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xử lý vi phạm quy định về hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và hai quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực thủy sản. Đến nay, 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ chức kiểm ngư.
Theo Phó Thủ tướng, xác định công tác xử lý vi phạm IUU nhằm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) là vấn đề hết sức quan trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024, Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 7 công điện và 8 quyết định liên quan đến triển khai chỉ thị của Ban Bí thư. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 3 hội nghị trực tuyến để quán triệt đến các Bí thư, Chủ tịch cấp xã ven biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã chủ trì nhiều cuộc họp và trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã kiến nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái pháp thủy sản.
Kết quả đến nay, công tác quản lý, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá cũng đã có những tiến triển; số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt gần 100%; cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp. Phía EC tiếp tục đánh giá cao các cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động các nước thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu
Về lĩnh vực Công Thương, bảo đảm an ninh năng lượng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, công khai, minh bạch; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch.
Để bảo đảm đủ xăng, dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không để xảy ra thiếu hụt nguồn trong mọi tình huống; quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp, đúng quy định; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ xăng dầu... đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về xăng dầu.
Đã đón đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08 ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao về phục hồi phát triển ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19, đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã đảm bảo minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn và du lịch đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm: Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án phát triển du lịch đêm, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Trong thực tế, nhiều địa phương đã có những cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, tạo ấn tượng với khách du lịch. Du lịch Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước. Năm 2023, chúng ta đã đón 12,6 triệu khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra, tổng thu đạt 672 nghìn tỷ đồng, lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 7 tháng năm 2024 đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực
Về lĩnh vực tư pháp, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua 41 luật, đang xây dựng 40 dự án luật, đã ban hành trên 390 Nghị định.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành, như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên chất vấn.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ trân trọng đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân, các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.