Tập trung dân chủ - nguyên tắc 'thép' trong công tác xây dựng Đảng
Ngay từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức, xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhờ vậy, Đảng luôn thực hiện và giữ vững được sự thống nhất về tư tưởng và hành động; phát huy được trí tuệ của tập thể và vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đánh giá đúng tình hình, đề ra đường lối đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, đưa sự nghiệp cách mạng của nước ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguyên tắc tập trung dân chủ có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: “Tập thể lãnh đạo không phủ nhận trách nhiệm cá nhân, trái lại phải trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân. Mọi cá nhân trên cương vị của mình phải chủ động đóng góp ý kiến với tập thể để tập thể có được quyết định chính xác và dám chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các nghị quyết của tập thể, dám tự phê bình và thành khẩn nhận khuyết điểm của mình trong việc chấp hành các nghị quyết ấy” - (Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb CTQG, H. 2004, tr 839), “Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ... các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể” - (Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, tr 470, 471). “Cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo tập thể đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân. Mọi cấp ủy viên có quyền và có trách nhiệm phát biểu ý kiến, tranh luận thẳng thắn, tham gia các quyết định của cấp ủy. Chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang, né tránh” - (Văn kiện Đảng toàn tập, t.50, tr 507).
Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo trong tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản. Chế độ tập trung dân chủ tạo những điều kiện cần thiết để thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, và chế độ đó là nội dung trong nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được thực hiện trong các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội, nơi có các tổ chức Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, ở một số tổ chức Đảng, không phải lúc nào nguyên tắc này cũng được thực hiện nghiêm túc. Nhiều nơi, việc thực hiện hình thức, không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do đó, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vẫn còn hiện tượng chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng. Họp bàn lấy lệ, hợp thức cho ý kiến của một số người là lãnh đạo. Vẫn có hiện tượng chồng chéo trong lãnh, chỉ đạo, không phân rõ trách nhiệm cá nhân. Vẫn có hiện tượng khi thành công thì vui vẻ, tán tụng, thậm chí là “của tôi”; khi thất bại thì né tránh, đùn đẩy, không chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, hoặc quy kết chung chung của “chúng ta”,... nhất là trong các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt lõi trong hoạt động của Đảng nhưng chỗ này, chỗ kia vẫn chưa thực hiện nghiêm. Vừa rồi chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu dùng ý chí chủ quan áp đặt, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả hai việc này đều không tốt cho Đảng”.
Thực tiễn cho thấy, cơ quan, địa phương, tổ chức nào thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì tổ chức Đảng luôn đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh. Ở đâu vi phạm nguyên tắc này thì nội bộ mất đoàn kết, hiệu lực lãnh đạo thấp, mắc phải sai lầm, khuyết điểm. Trong quy chế hoạt động, chương trình công tác và quá trình lãnh đạo, cần thực hiện triệt để tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ngay trong cấp ủy; tạo mọi điều kiện để mỗi cấp ủy viên có thể tham gia đầy đủ vào việc bàn bạc, quyết định các chủ trương, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng người. Làm được như vậy vừa tăng cường đoàn kết trong Đảng, vừa thực sự phát huy dân chủ, vừa bồi dưỡng năng lực công tác cho mỗi cấp ủy viên, tránh chủ quan, phiến diện.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cần tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống. Đồng thời, Trung ương cần bổ sung, ban hành các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị mình./.