Tập trung đánh đúng, đánh trúng các đối tượng chủ mưu buôn lậu, gian lận thương mại
Cục Hải quan vừa tổ chức một diễn đàn quan trọng để cán bộ, công chức trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác kiểm soát hải quan.
Ngày 3 và 4/7/2025, tại phường Vũng Tàu, TP.HCM, Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan đã chủ trì tổ chức Hội nghị trao đổi nghiệp vụ kiểm soát năm 2025.
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả cao điểm đẩy lùi, tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu; công tác giải quyết vụ án, vụ việc trong lĩnh vực hải quan; cũng như công tác quản lý, sử dụng tàu thuyền.

Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị đánh giá tổng kết tháng cao điểm đẩy lùi, tấn công, trấn áp tội phạm của cơ quan hải quan; công tác quản lý địa bàn; phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và thuộc diện quản lý chuyên ngành.
Tham dự hội nghị có 150 cán bộ, công chức từ các Chi cục Hải quan khu vực trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, TP.HCM và Tây Nam Bộ. Đặc biệt, lãnh đạo một số đơn vị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng tham gia.
Thống kê từ 15/12/2024 đến 14/6/2025, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.561 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 13.614 tỷ đồng; khởi tố 8 vụ và chuyển khởi tố 54 vụ. Về ma túy, lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp bắt giữ 103 vụ/110 đối tượng (trong đó chủ trì 43 vụ), thu giữ khoảng 2 tấn ma túy các loại, tăng 94,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh: “Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế qua việc đàm phán và tham gia nhiều hiệp định hợp tác song phương, đa phương. Cơ quan Hải quan đứng trước thách thức lớn trong việc vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Chúng ta cần tập trung đánh đúng, đánh trúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kiên quyết đấu tranh với tội phạm trong bối cảnh hoạt động buôn lậu, gian lận ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi”.
Các đại biểu tham gia hội nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra, giám sát gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp qua các hình thức đầu tư gia công, sản xuất xuất khẩu tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, lưu ý nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành để phòng ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Về công tác điều tra vụ án, vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực kiểm soát hải quan, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, đặc biệt liên quan đến cơ quan Hải quan.
Theo đó, người có thẩm quyền của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan; Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Hải quan cửa khẩu. Đồng thời, có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giúp Hải quan xác định đúng cơ quan phối hợp trong công tác điều tra, chuyển giao hồ sơ, vụ án.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại.
Ngoài ra, các đơn vị Hải quan đã trao đổi, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đặc biệt liên quan đến thẩm quyền điều tra, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác giao nhận hồ sơ, tang vật, bảo quản vật chứng; giám định, định giá tài sản trước khi khởi tố vụ án. Các vấn đề này đã được đại biểu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh trao đổi, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc giúp Hải quan thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh yêu cầu hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan ngày càng cao, việc đảm bảo đầy đủ, đồng bộ và sử dụng hiệu quả phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, tài sản, vũ khí và công cụ hỗ trợ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Đây không chỉ là nền tảng vững chắc cho hoạt động nghiệp vụ mà còn góp phần xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Hội nghị đã đánh giá thực trạng, tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp để đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Nhằm phát huy kết quả đạt được, lan tỏa bài học kinh nghiệm trong đấu tranh, xử lý các vụ việc điển hình, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngành Hải quan tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo an ninh, an toàn nền kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, hiện đại và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.