Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ lao động có trình độ trong bối cảnh thu hút nguồn vốn FDI

Đối với thị trường lao động Việt Nam nói riêng, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nền kinh tế mới nổi, điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang từng bước được hoàn thiện, đưa Việt Nam liên kết chặt chẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đóng góp vào những thành tựu đó, vai trò của đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng trên các khía cạnh như cung cấp nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, trình độ quản trị hiện đại, kết nối kinh tế Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

GS. TSKH. Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Hà Giang

GS. TSKH. Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Hà Giang

Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, đối với thị trường lao động Việt Nam nói riêng, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.

Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017.

Ngoài ra, năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của kiểm toán nhà nước", sáng 8/6, GS. TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho biết, khu vực FDI đã tạo việc làm cho khoảng 4,5 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp, trong đó có hàng vạn công nhân lành nghề, kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ cao, góp phần hình thành đội ngũ lao động cả về số lượng và chất lượng để thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Trên thực tế, khu vực đầu tư nước ngoài có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp FDI cũng là những đơn vị tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý.

Nhiều cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân lành nghề của doanh nghiệp FDI đã được chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong nước, có tác động nâng cao trình độ quản trị và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018. Tính lũy kế, cả nước có gần 31.000 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 362,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 211,8 tỷ USD, bằng 58% tổng số vốn đăng ký còn hiệu lực.

Tính đến hết năm 2019, đầu tư vốn FDI vào Việt Nam đứng đầu là Hàn Quốc, thứ hai là Hồng Kông, thứ ba Singapore. Địa phương thu hút vốn FDI đứng đầu là Hà Nội, thứ hai là TP Hồ Chí Minh, thứ ba là Bình Dương. Lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo, thứ hai là kinh doanh bất động sản, thứ ba là bán buôn, bán lẻ.

Ths. Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra, Kiểm toán nhà nước cho biết, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp FDI là những đơn vị tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý.

"Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác", Ths. Dương Quang Chính cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chia sẻ, nhờ có nguồn vốn FDI mà nước ta tiếp nhận đầu tư có được nguồn thu ngân sách lớn, tăng kim ngạch xuất khẩu, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo ra những sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và đào tạo nguồn nhân lực tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

"Thực tế cho thấy, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Bình góp phần hỗ trợ có hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo nguồn nhân lực có khả năng chuyển giao, tiếp thu công nghệ hiện đại và trình độ quản lý, góp phần nhập khẩu thiết bị với dây chuyền công nghệ hiện đại và đóng góp vào ngân sách tỉnh ngày một tăng, tạo việc làm, tăng năng suất lao động tại địa phương", ông Nguyễn Ngọc Phương thông tin.

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp này đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: sản xuất, chế biến gỗ, điện tử, dệt may...

Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, vốn đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng tạo ra việc làm, thu hút lao động tới làm việc tại tỉnh này. Với trình độ quản lý hiện đại, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

"Đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hơn 500.000 lao động, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội và đưa mức thu nhập đầu người tăng lên hàng năm", ông Trần Thanh Liêm cho biết.

Dù vậy, tại Hội thảo, nhiều quan điểm cho rằng, thời gian tới, việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn. Người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ lao động có trình độ trong bối cảnh thu hút nguồn vốn FDI - Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ lao động có trình độ trong bối cảnh thu hút nguồn vốn FDI - Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, bước vào Thế kỷ 21, thách thức lớn nhất là Việt Nam phải phát triển trở thành nước công nghiệp hóa, vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chiến lược công nghiệp hóa Đất nước thời gian tới, đòi hỏi những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải có sự thay đổi căn bản về chất, thu hút có chọn lọc, có ưu tiên những đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao quản trị hiện đại, những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ hơn với sản xuất trong nước, thân thiện hơn với môi trường.

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước, gồm: Sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0); Việc tái định vị dòng chảy hàng hóa, dịch vụ quốc tế do tác động của Cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hóa đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đại dịch COVID 19.

Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động Thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về hình thức đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng sang tìm kiếm hiệu quả đầu tư, đặc biệt ở Đông Á và Đông Nam Á. Thay vì tìm kiếm những thị trường lớn và mới mẻ để khai thác trực tiếp như trước đây, các tập đoàn đa quốc gia hiện nay ưu tiên đầu tư ở những nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, cơ chế chính sách phù hợp và chính trị ổn định nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh ở các thị trường sẵn có.

Về nhu cầu lao động, cơ cấu nhân lực sẽ có sự thay đổi cơ bản khi dòng chảy đầu tư nước ngoài có xu thế hướng tới các ngành đòi hỏi lao động trình độ trung bình đến cao, bao gồm linh kiện, phụ kiện máy móc, đồ điện tử, các sản phẩm khoa học, sản phẩm y tế, hóa học, cao su và nhựa; mà không còn là các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp như dệt may hay da giày.

Về thu hút vốn mới, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế và nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa đang dần trở thành điểm cạnh tranh cơ bản giữa các nước có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cao, trong khi việc sử dụng các ưu đãi tài khóa (như giảm thuế, miễn thuế) và tài chính (như trợ cấp, cho vay vốn ưu đãi) để thu hút đầu tư nước ngoài đang giảm dần tính ưu việt.

Về di dời vốn cũ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài làm nhiều nhà đầu tư quyết định khởi động việc di chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc, đại dịch Covid-19 sẽ làm họ chắc chắn hơn với quyết định của mình và đẩy nhanh giai đoạn thực thi. Điều này cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển thị trường lao động Việt Nam và Thế giới.

Trước xu thế này, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn khi hầu hết các nước và các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng, là trung tâm đầu tư và sản xuất tối ưu trong ngắn và trung hạn.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động - việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ.

Bộ sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới.

Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ban, ngành liên quan đánh giá, xác định nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước. Nhất là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tap-trung-dao-tao-nguon-nhan-luc-doi-ngu-lao-dong-co-trinh-do-trong-boi-canh-thu-hut-nguon-von-fdi-20200609234347577.htm