Tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại

Tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng nhưng so với thực tế vi phạm còn rất nhỏ...

Cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh ngọt tại Cao Bằng có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh ngọt tại Cao Bằng có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước về tình hình hoạt động 8 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao.

63 TỈNH, THÀNH PHỐ CÓ HIỆN TƯỢNG VI PHẠM KINH DOANH ONLINE

Tính từ 15/12/2023 - 22/8/2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023).

Hành vi vi phạm của các đối tượng luôn thay đổi. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm...

Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, quản lý thị trường cả nước tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.

Chỉ riêng nửa đầu tháng 6/2024 triển khai chuyên đề kiểm tra môi trường online, trong tổng số 455 website có dấu hiệu vi phạm trên cả nước, toàn lực lượng đã xử phạt 161 vụ, số tiền xử phạt là 3,6 tỷ đồng.

Trong 8 tháng, đã kiểm tra 1.786 vụ (tăng 1.263 vụ, tăng 241% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 1.683 vụ vi phạm (tăng 1.186 vụ, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 03 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 31 tỷ đồng (tăng 23 tỷ đồng, tăng 288% so với cùng kỳ năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 28 tỷ đồng (tăng 24,5 tỷ đồng, tăng 700% so với cùng kỳ năm 2023). Đáng lưu ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.

Bổ sung thêm, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), cho biết trong 8 tháng vừa qua, Cục đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Ngoài ra, cơ quan này đã rà soát và chuyển thông tin hơn 110 website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm về hành chính cho Tổng cục quản lý thị trường và lực lượng quản lý thị trường ở địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN CƠ CHẾ GIÁM SÁT NGƯỜI THỰC THI CÔNG VỤ

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ rõ công tác đấu tranh phòng chống các vi phạm, gian lận thương mại (nhất là trong thương mại điện tử) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, thậm chí có hệ thống.

Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm còn rất nhỏ, chưa phản ánh thực chất tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường.

Kiểm tra, kiểm soát địa bàn của nhiều tổ, đội, đơn vị cơ sở chưa thực sự sâu sát. Công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu kiểm tra giấy phép kinh doanh, xuất xứ hàng hóa và niêm yết giá, còn các vi phạm khác chưa chú trọng, phát hiện kịp thời; việc áp dụng chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức nhất là ở cấp cơ sở chưa đạt hiệu quả cao. Tình trạng cán bộ vi phạm quy định của ngành, thậm chí vi phạm quy định pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thị trường, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh, kiến nghị Bộ Công Thương thống nhất chung cơ chế mua tin, đầu mối thường trực trong công tác an toàn thực phẩm để thống nhất cơ chế điều hành…

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho rằng bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường cần chủ động thường xuyên rà soát kiểm tra quy trình nội bộ để bảo đảm chặt chẽ không phát sinh kẽ hở, phát sinh vi phạm tham nhũng tiêu cực.

Trước các kiến nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường thời gian tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước trong nước.

Để làm được như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng lực lượng quản lý thị trường cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách (nhất là Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và các Cục quản lý thị trường sau 5 năm thực hiện mô hình quản lý mới; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.

Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình xử lý vụ việc, nhất là cơ chế giám sát người thực thi công vụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đặc thù của quản lý thị trường là đơn tuyến, hoạt động độc lập, cho nên cơ chế quản lý giám sát, quy trình xử lý vấn đề, vụ việc cần phải được xây dựng và công khai, để lãnh đạo của Cục, Đội có thể giám sát cán bộ khi thực thi nhiệm vụ ở địa bàn.

Khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình công tác với Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác quản lý thị trường và có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, như với thuế, hải quan, ngân hàng...

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tap-trung-dau-tranh-han-che-toi-muc-thap-nhat-tinh-trang-buon-lau-gian-lan-thuong-mai.htm