Tập trung giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, bước sang quý II/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 5,3%, thấp hơn chỉ số sản xuất cả nước (6,8%); 11/30 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm. Dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,2%, nhưng mức tăng có dấu hiệu chậm lại do tiêu dùng khựng lại.

Sản xuất công nghiệp của TPHCM tăng nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trung bình của cả nước.

Sản xuất công nghiệp của TPHCM tăng nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trung bình của cả nước.

Đối với dự án FDI, đăng ký mới tăng 24,1% nhưng vốn FDI lại giảm 3,3% và vốn doanh nghiệp (DN) trong nước cũng giảm 23%. Điều này cho thấy DN ngoài nhà nước phần lớn quy mô nhỏ và tâm lý thận trọng, chờ đợi để mở rộng sản xuất kinh doanh. Giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến tích cực. Tính đến hết ngày 30/5, thành phố giải ngân 6.889 tỷ đồng, đạt 8,7% so với kế hoạch vốn năm 2024, giảm 24,2% so cùng kỳ cho thấy tiến độ giải ngân rất chậm so với mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho rằng, sản xuất công nghiệp của thành phố 5 tháng cao nhất 3 năm gần đây, song vẫn thấp hơn cả nước. DN xuất khẩu có đơn hàng quý 2 và bắt đầu có đơn hàng quý 3 nhưng gặp phải sức ép về giá và quy định lớn về tiêu chuẩn xanh. Cạnh đó, nhiều mảng đầu tư đều rơi vào chương trình kích cầu, nếu không được giải quyết thì biên độ lợi nhuận co lại, DN phải hoạt động cầm cự. “Do đó, việc đầu tư đón đầu sẽ tạo cơ hội cho DN có được các đơn hàng cuối năm” - ông Hòa nói.

Tương tự, ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho rằng cần có đầu tư để đón đầu cơ hội kinh doanh trong đó có câu chuyện liên quan đến thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. Phải nâng cao nhận thức đồng bộ về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và có sự đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình chuyển đổi.

Trong khi đó, theo TS Trần Du Lịch, TPHCM muốn vượt qua thách thức và thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần “giải cho được bài toán tiêu tiền”. Vướng mắc là có tiền nhưng không tiêu được, làm sao đó phải tiêu được tiền. Nếu tiền không được “bơm” ra sẽ không kích được tổng cầu, kinh tế không phát triển. “Cần tập trung thúc đẩy đầu tư công vì tiền ra càng nhanh tạo hiệu ứng cấp số nhân, đồng thời tác động lớn cho nền kinh tế” - ông Lịch nói.

Liên quan đến giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thời gian tới phải tìm ra những điểm nghẽn trong đầu tư công. “Phải giải ngân thật, công trình hoàn thành thật, tiền đi vào nền kinh tế chứ không cần con số đẹp” - ông Mãi nói.

Được biết, TPHCM đặt mục tiêu giải ngân 10 - 12% tổng vốn đầu tư công trong quý 1 và 30% trong quý 2. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ mới đạt chỉ tiêu của quý 1. Tiến độ giải ngân đầu tư công của thành phố trung bình đạt 150 - 180 tỷ đồng/tuần (không đạt 200 tỷ đồng/tuần). Đặc biệt, tháng 4 và tháng 5 không có tuần nào đạt 200 tỷ đồng/tuần.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tap-trung-giai-ngan-dau-tu-cong-de-thuc-day-tang-truong-10282537.html