Tập trung giải ngân vốn cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã bám sát vào những nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn của ngân hàng, nhiều khách hàng đã mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã bám sát vào những nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn của ngân hàng, nhiều khách hàng đã mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy gồm: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 4/10/2021 về phát triển công nghiệp; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 19/10/2021 về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, đến hết tháng 8/2022, các NHTM đã giải ngân được 42.500 tỷ đồng cho 44.937 khách hàng vay vốn. Trong tổng dư nợ trên, các ngân hàng giải ngân cho vay phát triển công nghiệp 20.579 tỷ đồng, với 4.711 khách hàng còn dư nợ; cho vay cơ cấu ngành nông nghiệp 4.263 tỷ đồng, với 21.333 khách hàng còn dư nợ; cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ 17.658 tỷ đồng, với 18.893 khách hàng còn dư nợ.

Nhân viên Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh BIDV Hà Nam làm thủ tục thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng.

Nhân viên Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh BIDV Hà Nam làm thủ tục thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng.

Nhiều ngân hàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực giải ngân vốn cho vay theo các nghị quyết chuyên đề. Điển hình như, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam đã bám sát vào chỉ đạo của hệ thống, kịp thời giải ngân vốn cho khách hàng vay cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng của chi nhánh hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng hơn 80% nguồn vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nam cho biết: Thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Agribank đã tập trung đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch, làm kinh tế trang trại. Thực hiện Nghị quyết 15, chi nhánh cũng đã giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhiều khách hàng vay vốn đầu tư nuôi bò sữa, bò thịt, nuôi lợn, gia cầm,... với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng. Trong những tháng cuối năm, Agribank Chi nhánh Hà Nam tiếp tục rà soát từng khách hàng, bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình, kịp thời giải ngân vốn cho vay theo kế hoạch.

Cũng như Agribank Chi nhánh Hà Nam, các NHTM trên địa bàn tỉnh đều bám sát các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển theo các nghị quyết chuyên đề để bố trí nguồn vốn, giải ngân kịp thời cho khách hàng vay khi có nhu cầu. Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương (Vietinbank) Hà Nam, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hà Nam... tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay theo các nghị quyết về phát triển công nghiệp, nghị quyết về phát triển thương mại dịch vụ.

Vietinbank Chi nhánh Hà Nam đã bám sát các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, hướng dẫn các hộ và doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn thuận lợi nhất. Đến nay, dư nợ của chi nhánh đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 80% nguồn vốn đầu tư cho vay doanh nghiệp, còn lại là tín dụng đầu tư cho kinh tế hộ. Thông qua chương trình, khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Một số doanh nghiệp trên địa bàn vay với giá trị lớn, như Tập đoàn Thành Thắng, các dự án BOT thu phí các tuyến quốc lộ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ. Trong những tháng cuối năm, ngoài mở rộng nguồn vốn cho khách hàng vay, chi nhánh còn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, phấn đấu hoàn thành mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời giải ngân vốn cho khách hàng vay. Đồng thời, các ngân hàng cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn của từng khách hàng, đặc biệt là những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đưa ra giải pháp hỗ trợ bằng hình thức giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, cho vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách tín dụng hiệu quả nhất; triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, để giải ngân vốn kịp thời cho khách hàng vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/tap-trung-giai-ngan-von-cho-vayadau-tu-san-xuat-kinh-doanh-79395.html