Tập trung giải quyết '5 nhất' tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 18/12, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025 đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I (2021 - 2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II (2026 - 2030) khu vực phía Bắc.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện UBND 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình, nguồn lực thực hiện chương trình của 19 tỉnh, thành phố là trên 47,157 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trên 37,890 nghìn tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 9,274 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2024, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 58,3%, vốn ngân sách địa phương đạt 75,7%. Các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn so với các tỉnh sử dụng ngân sách trung ương như Quảng Ninh 96,5%, Vĩnh Phúc 95,4%...
Cũng tại thời điểm đánh giá, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có 5/8 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt kế hoạch, trong đó các địa phương hoàn thành tốt theo tiến độ là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên… Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,2%, trong đó một số tỉnh đạt cao như: Lào Cai 6,4%, Điện Biên 5,1%, các địa phương còn lại đều đạt và vượt mục tiêu. Có 3/8 nhóm mục tiêu với 7 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…
Tại hội nghị, 11 ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế trong quá trình triển khai chương trình. Hầu hết các đại biểu cho rằng, dù được tổ chức thực hiện chính thức từ cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của nhiều địa phương, nên chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu được giao. Kết quả giải ngân chung của các địa phương đều cao hơn so với giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước và các chương trình mục tiêu quốc gia khác… Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng ghi nhận những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng tới tiến độ, kết quả thực hiện chương trình.
Ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận định, những hạn chế trong quá trình triển khai chương trình xuất phát từ một số điểm nghẽn trong thể chế, nguồn nhân lực hạn chế, sự phối hợp chưa nhịp nhàng và tình hình thực tiễn biến động về đối tượng, địa bàn, định mức… nên không còn phù hợp trong quá trình thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các cơ quan chủ trì thực hiện tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của địa phương tại hội nghị này, từ đó làm cơ sở để nghiên cứu giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai tiếp theo. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những vướng mắc để sớm khắc phục. Các địa phương xây dựng được khung chương trình giai đoạn tới đảm bảo sát, đúng, gắn với thực tiễn, mục tiêu và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực. Trong giai đoạn 2026 - 2030, chương trình cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Theo đề xuất định hướng nội dung chương trình giai đoạn II từ năm 2026 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục bám sát nội dung 10 dự án thành phần đã được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14. Trong đó, đảm bảo ưu tiên tối thiểu phải có đủ 5 nội dung thành phần nhằm tập trung giải quyết vấn đề “5 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.