Tập trung giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong

Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên dưới 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine...

Trên 70% ca tử vong do COVID-19 là chưa tiêm vaccine

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 diễn ra sáng 20/1, năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành Y tế tích cực hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tập trung giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong

Tập trung giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong

Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) với chủng virus Delta và sau này là chủng Omicron, đa nguồn lây, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh.

Số ca nhiễm, đặc biệt là cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.

Số ca nhiễm và tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu. Tỷ lệ tử vong của các nhóm tuổi trên tổng số ca tử vong là: 0-2 tuổi là 0,19%; 3-13 tuổi là 0,06%; 13-17 tuổi là 0,09%; 18-49 là gần 17,9%; 50-64 là khoảng 38,72%; trên 65 tuổi là 43,04%. Tỷ lệ tử vong tại TP HCM là 4%, An Giang 3%, Tiền Giang 2,7%, Long An 2%, Kiên Giang 1,8%.

Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên dưới 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Tại TP HCM, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine. Tương tự tại TP Hà Nội, trong 9 tháng qua TP có hơn 570 ca tử vong, trong đó 85-87% số tử vong là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế đã đi đầu, huy động mọi nguồn lực, không quản khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhất các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh, vì sức khỏe của người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Sau hơn 5 tháng xảy ra đợt dịch thứ 4, đến hết ngày 10/10/2021 dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Việc kiểm soát dịch bệnh, ngoài bảo vệ sức khỏe của người dân, còn giúp đất nước có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội...

Người dân không chủ quan dù đã tiêm vaccine phòng COVID-19

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cảnh báo, "cuộc chiến" phòng COVID-19 vẫn còn kéo dài; đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nếu biến thể mới này lan tràn sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Thái Bình. Ảnh: Thái Bình

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Thái Bình. Ảnh: Thái Bình

Vì vậy, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

TS Satoko Otsu, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ tại hội nghị: "Chúng ta cần xác định phải sống với COVID-19 thời gian dài. Nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng mới do biến chủng Omicron gây ra. Việt Nam cũng báo cáo có ca Omicron cộng đồng".

Theo chuyên gia, Omicron lây lan rất nhanh hơn biến chủng trước, có thể không gây bệnh nặng bằng biến chủng trước nhưng Việt Nam cần có động thái chủ động sẵn sàng trong việc gia tăng ca bệnh sắp tới. Có hai mục tiêu mà Việt Nam cần lưu ý là bảo vệ nhóm dân số nguy cơ cao dễ bị tổn thương và bảo đảm hệ thống y tế không bị quá tải. Do đó cần tuyên truyền để người dân không chủ quan dù đã tiêm vaccine.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tap-trung-giam-nguy-co-cac-ca-mac-covid-19-chuyen-nang-va-tu-vong-169220120152314398.htm