Tập trung gỡ vướng các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tích cực phối hợp với Chủ đầu tư tập trung gỡ vướng các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều ngày 11/1 tại Hà Tĩnh về tình hình cung cấp điện và đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết với các dự án điện trọng điểm cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nói riêng và các dự án điện nói chung được xây dựng trên địa bàn, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tích cực phối hợp với Chủ đầu tư để thực hiện nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao, đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Với các khó khăn còn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các sở ngành hàng tuần cần có báo cáo cụ thể tới lãnh đạo tỉnh để tìm cách tháo gỡ sớm, với phương châm không đùn đẩy, không né tránh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn giải phóng mặt bằng được thì quan trọng nhất các đơn vị Chủ đầu tư cần chuẩn bị đủ hồ sơ thủ tục, hướng tuyến. Lãnh đạo tỉnh sẽ quyết tâm đồng hành cũng ngành điện hoàn thành các dự án được Thủ tướng giao.
Tại buổi làm việc, ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, thời gian qua, EVNNPC đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt nhân dân của tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, tăng trưởng bình quân điện thương phẩm giai đoạn 2021-2023 là 9,5%/năm; trong đó điện thương phẩm năm 2023 là 1.436 triệu kWh, tăng 13,02% so với năm 2022. Trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy điện với tổng công suất 2.155 MW; trong đó, Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.245 MW, Nhiệt điện Formosa Hà Tĩnh 650MW, điện mặt trời và thủy điện nhỏ với tổng công suất 260MW.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn toàn tỉnh là 477.556 hộ, đạt tỷ lệ 100%; số xã là 182/182, đạt tỷ lệ 100%, đáp ứng tiêu chí số 4 về điện trong Bộ chỉ tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 Trạm biến áp (TBA) 500kV là Hà Tĩnh và Vũng Áng với tổng công suất 2.175 MVA, 12 đường dây truyền tải; trong đó có 6 đường dây 500kV kết nối lưới điện trên trục Bắc -Nam và các đường dây 220kV kết nối các nhà máy điện khu vực, đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải các khu công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế khu vực Hà Tĩnh.
Đánh giá tình hình phát triển phụ tải và khả năng cung cấp điện trên địa bàn, EVN cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Công Thương phê duyệt, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15,8%/năm, đến năm 2025 điện thương phẩm và công suất lớn nhất (không tính Formosa). tương ứng là 3.621 triệu kWh và 670 MW. Như vậy, tăng trưởng thực tế phụ tải đạt thấp hơn so với quy hoạch.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hà Tĩnh có thêm 6 khu công nghiệp (KCN) quy hoạch mới với tổng diện tích 1.568 ha và bổ sung 24 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 1.416 ha. Phụ tải khu công nghiệp Hà Tĩnh chiếm tỷ trọng khoảng 23%, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, KKT Cửa khẩu Cầu Treo, KCN Phú Vinh, KCN Gia Lách, KCN Hạ Vàng, KCN Bắc Thạch Hà, KCN phía Tây thành phố Hà Tĩnh…
Hiện EVNNPT đang đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu có quy mô 2 mạch dài 225,5 km;, trong đó đoạn tuyến đi qua tỉnh Hà Tĩnh dài khoảng 141,52 km có 285 vị trí, thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn.
Vướng mắc tại dự án này theo ông Phạm Lê Phú là tỉnh Hà Tĩnh đã hết quỹ đất trồng rừng thay thế, cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương khác. Ngoài ra, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng giảm so với phê duyệt (được tính toán trong giai đoạn thiết kế cơ sở), EVNNPT sẽ báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi tư vấn chuẩn xác lại số liệu.
Để đóng điện dự án vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp này, Tổng giám đốc EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần rừng trồng (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh).
Cũng theo ông Phạm Lê Phú, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ phối hợp Chủ đầu tư tiếp tục báo cáo cấp thẩm quyền hướng dẫn thủ tục trình tự, thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác tận dụng đối với diện tích rừng bị tác động đối với phần hạng mục đường tạm phục vụ thi công các móng trụ của dự án để có cơ sở triển khai thực hiện.
Với Dự án Đường dây 500kV Vũng Áng - Rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng (Mạch 3, 4) có quy mô 33,6 km, dự kiến đóng điện tháng 12/2025, ông Phú kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm phê duyệt Chủ trương đầu tư và Nhà đầu tư để EVNNPT có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Về Dự án Trạm biến áp 220kV Vũng Áng và đấu nối có quy mô công suất 125 MVA, đã triển khai thi công và dự kiến đóng điện quý III/2024, tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. EVNNPT đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, dự án đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh, phường Kỳ Thịnh).
Với các vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh, tại cuộc họp, lãnh đạo EVN đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở ban ngành và địa phương hỗ trợ EVN, các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các dự án, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phụ tải trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Cụ thể EVN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh và có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Đối với các dự án lưới điện truyền tải, EVN đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành hỗ trợ EVNNPT trong quá trình triển khai dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng để hoàn thành đóng điện tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm chấp thuận chủ trương đầu tư và giao EVNNPT làm chủ đầu tư các dự án Đường dây 500kV Vũng Áng - Rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Dự án Trạm biến áp 220kV Vũng Áng và đấu nối; tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong thỏa thuận vị trí các TBA, hướng tuyến các đường dây, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để đầu tư theo quy hoạch được duyệt.