Tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị bền vững
Ngày 8/11, Bộ Xây dựng đã chủ trì việc tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023. Hội thảo gồm 1 phiên khai mạc toàn thể và 3 hội thảo chuyên đề với các chủ đề 'Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững'; 'Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị'; 'Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu'.
Đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Diễn đàn đô thị Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, qua đó khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt còn thấp; Chất lượng đô thị hóa chưa cao; Mức độ tập trung kinh tế còn thấp; Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; Chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn...
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Chương trình xác định đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam sẽ thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng nhận định: Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 sẽ là cơ hội để các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức và cộng đồng đối thoại, chia sẻ các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148/NQ-CP.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra một số đề nghị về định hướng thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam. Trong đó, chính quyền đô thị tại các địa phương cần quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa.
Cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị.
Các tổ chức, cộng đồng dân cư cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị, chủ động đề xuất, tham vấn và đóng góp với các cơ quan tại địa phương và Trung ương.
Bộ trưởng nhận định: Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% như hiện nay, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt nhất trong thời gian tới, để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sống của cộng đồng và gia tăng những giá trị thặng dư mới cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị bền vững
Để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TW, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị các diễn giả, chuyên gia và đại biểu trao đổi, làm rõ 5 vấn đề.
Thứ nhất là tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị hơn nữa. Thứ hai là chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Thứ ba là đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để quản lý phát triển đô thị bền vững.
Thứ tư là thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Thứ năm là quán triệt quan điểm phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị. Thứ sáu là cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị.
Trong bài tham luận về “Các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), ông Trần Quốc Thái đã nêu 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam mà Cục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Trong đó, chính sách 1 về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền. Chính sách 2 về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Chính sách 3 về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính sách 4 về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Chính sách 5 về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.
Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, Cục Phát triển đô thị đang tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với các chính sách trọng tâm tập trung vào quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới.
Giám đốc Quốc gia AFD tại Việt Nam, ông Herve Conan nhấn mạnh: AFD đã hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Phát triển đô thị về các công cụ đo lường khả năng chống chịu phục hồi đô thị và tăng trưởng xanh.
Thời gian tới, AFD sẽ tiếp tục cùng với Bộ Xây dựng, hỗ trợ các bên liên quan tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực đô thị ở Việt Nam. Hiện tại, AFD đang làm việc với gần 15 tỉnh, thành trên cả nước trong các giai đoạn của một dự án đầu tư hỗ trợ phát triển đô thị.
Chuyên gia cao cấp của UN-Habitat, bà Naomi Hoogervorst cho rằng: Để hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các thành phố cần sự hỗ trợ từ các quốc gia để cải thiện khung pháp lý, thu thập và truy cập dữ liệu, nguồn tài chính và xây dựng năng lực… Quy hoạch, phát triển và quản trị đô thị phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động đa cấp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện SDG.
Chính quyền Trung ương và địa phương có thể tích hợp việc điều chỉnh các mục tiêu định tính và chỉ số định lượng của SDG vào các tài liệu quy hoạch quốc gia và địa phương, đóng vai trò là bộ phận chính của Khung giám sát và đánh giá việc thực hiện quy hoạch đô thị.
Hiện tại, UN-Habitat đang cung cấp hộp công cụ Kế hoạch thành phố, hướng dẫn chi tiết và từng bước cho quy trình lập kế hoạch tổng hợp và có sự tham gia của người dân thông qua bốn giai đoạn của quy trình lập kế hoạch: Đánh giá, lập kế hoạch, vận hành và thi hành.
Sau phiên khai mạc toàn thể, Diễn đàn đã diễn ra 3 Hội thảo chuyên đề. Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững”, các diễn giả, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các nội dung: Thực trạng về phương pháp tiếp cận và triển khai lập quy hoạch đô thị hiện nay tại Việt Nam; Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương liên quan tới lập và phê duyệt quy hoạch đô thị; Phương thức lập quy hoạch nhằm đảm bảo sự khả thi trong quá trình triển khai, thực thi các dự án đô thị, bao gồm các dự án phát triển mới và chỉnh trang, tái thiết đô thị; Định hướng lồng ghép tiêu chí hướng tới các mô hình phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn lập quy hoạch đô thị và sự cần thiết của về giám sát, đánh giá quy hoạch đô thị…
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô tập trung trao đổi các nội dung: Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành Xây dựng tại địa phương; Giải pháp quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; Tăng trưởng kinh tế và Net Zero carbon trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Kết hợp BIM và GIS trong chuyển đổi số cho phát triển đô thị thông minh.
Tại Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu”, các chuyên gia, diễn giả và đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến: Thách thức về quản trị theo lãnh thổ đối với phát triển đô thị bền vững với biến đổi khí hậu; Khả năng chống chịu của đô thị thông qua mô hình thành phố bọt biển; Đo lường tốt hơn khả năng chống chịu ở Việt Nam; Các nội dung về tăng trưởng xanh; Thiết kế dựa vào thiên nhiên, phát triển hài hòa các không gian đô thị…