Tập trung kết nối nội vùng Tây Nguyên với vùng phụ cận

Ngày 20-9, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng, dự và chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối cũng nêu ra những hạn chế, yếu kém của vùng Tây Nguyên: quy mô kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội; chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp; giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp…

Ngoài ra, liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Đoạn Quốc lộ 27 qua tỉnh Lâm Đồng bị xuống cấp nặng nhiều năm nay. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Đoạn Quốc lộ 27 qua tỉnh Lâm Đồng bị xuống cấp nặng nhiều năm nay. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tại hội nghị, đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên đã có những ý kiến đề xuất Trung ương sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực cho vùng Tây Nguyên phát triển, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, chương trình ổn định dân di cư tự do; hệ thống thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp,…

Quốc lộ 28 nối Lâm Đồng với Bình Thuận nhỏ hẹp, hạn chế việc lưu thông qua lại giữa hai địa phương. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao các bộ, ban, ngành xây dựng cơ chế riêng, đặc thù cho Tây Nguyên để giải quyết các vướng mắc, vì lợi ích của các địa phương. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trước mắt tập trung kết nối giao thông giữa nội vùng, vùng phụ cận và ngoại vùng đến miền Trung và miền Nam; phối hợp xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và thế giới cũng như khả năng đáp ứng thu hút được đầu tư; cố gắng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương. Nếu có những việc mà Trung ương chưa thể đáp ứng được thì các tỉnh tranh thủ kết nối hỗ trợ lẫn nhau.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý vấn đề tạo sinh kế cho người dân, cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số phải lâu dài, đất có khả năng sản xuất và đồng bộ với hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần bảo tồn văn hóa để bảo đảm cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương tập trung triển khai quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trong quy hoạch cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu, rừng…

Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng được thành lập tại Quyết định số 827/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 11-7-2023. Hội đồng tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tap-trung-ket-noi-noi-vung-tay-nguyen-voi-vung-phu-can-post706320.html