Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau khi bão số 4 đi qua, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Sáng 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (Noru).

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 (điểm cầu thành phố Đà Nẵng); điểm cầu 8 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mấy ngày nay, chúng ta đã tích cực, chủ động, làm rất tốt công tác phòng, chống cơn bão số 4.

Sau khi bão đi qua, chúng ta phải có hội nghị nhanh để đánh giá tình hình, dự báo tình hình, rút kinh nghiệm, khắc phục nhanh chóng hậu quả do bão gây ra, nhất là mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Do đó, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu; nhanh chóng ổn định đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau bão, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Chúng ta phải làm nhanh, khẩn trương, hiệu quả công tác này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Nhờ chủ động tích cực, “phòng hơn chống”, cho nên chúng ta đạt được kết quả bước đầu tích cực trong phòng, chống bão số 4, do vậy, cần đánh giá để có giải pháp tích cực khắc phục. Đây là việc cần thiết để rút ra bài học, sẵn sàng ứng phó những cơn bão tương tự trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường.

* Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn.

Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, bảo đảm an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.

Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…, hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn.

Có thể nói, mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào ban đêm song cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra

Về tình hình thiệt hại cập nhật bước đầu đến 10 giờ sáng 28/9: với sức tàn phá của cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, song nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản nên thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Cụ thể, về người: 4 người bị thương (Quảng Trị: 4); về nhà: sập 3 nhà (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên Huế: 1), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng trị 118 nhà); tàu thuyền: chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1); điện lực: 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 9 xã, Gia Lai: 6 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163).

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Thiệt hại khác: đổ 1 trụ ăng-ten Trung tâm Truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng 2 đồn biên phòng (Quảng Nam)...; gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai (hiện đang tiếp tục cập nhật).

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, khoảng 3-5 giờ sáng 28/9, bão số 4 đã đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Lượng mưa tính từ 7 giờ sáng 27/9 đến 8 giờ sáng 28/9: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam phổ biến 200-400mm, đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 682mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 575mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế 481mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 459mm...; Quảng Bình, Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên 100-200mm.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn tỉnh.

Tại trạm hải văn Sơn Trà đã ghi nhận mực nước cao nhất 2,4m (lúc 0 giờ ngày 29/9), cao hơn trong bão Xangsane tháng 9/2006 (2,38m). Nước dâng do bão lớn nhất đã ghi nhận được tại trạm Sơn Trà (Đà Nẵng): 1,2m; trạm Lý Sơn (Quảng Ngãi): 1,1m, trạm Cồn Cỏ (Quảng Bình): 0,62m. Nước dâng do bão kết hợp với thủy triều đã gây ngập tại một số khu vực ven biển ở Huế và Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo về tình bão Noru tại Ban Chỉ huy tiền phương.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo về tình bão Noru tại Ban Chỉ huy tiền phương.

Như vậy, với bão số 4, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ là chính xác, với cường độ khi đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so dự báo ban đầu.

Với bão số 4, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ là chính xác, với cường độ khi đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so dự báo ban đầu.

Công tác dự báo phục vụ cơn bão số 4 đã được triển khai từ rất sớm và nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn.

Toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã thực hiện quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 4.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả ứng phó bão là khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau 1 cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng, chống cơn bão số 4.

Nhờ đó, chúng ta đã giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước; đến giờ này theo báo cáo mới chỉ có 4 người bị thương. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ gạo và kinh phí cho các địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương, khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tải điện; các công ty cấp thoát nước, môi trường, cây xanh nhanh chóng khắc phục các hậu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, phòng hơn chống, phương châm “4 tại chỗ” (lấy địa phương và người dân là chính), bảo đảm an toàn khi triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (nếu có).

Thủ tướng đánh giá, các đại biểu tại cuộc họp đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, chứng tỏ bám sát, nắm chắc tình hình, tâm huyết và trách nhiệm trong thực hiện công việc; đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm này trong phòng, chống thiên tai, bão lũ thời gian tới.

Thủ tướng cũng nêu các bài học kinh nghiệm quý báu qua đợt ứng phó bão này, đó là: cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người qua đợt ứng phó bão số 4.

Theo quy luật tự nhiên, miền trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Thủ tướng 1 lần nữa yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả cơn bão số 4, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-bao-so-4-nhanh-chong-on-dinh-san-xuat-va-doi-song-nhan-dan-post717249.html