Tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Trong rất nhiều việc cần làm trước thềm năm học mới, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV) là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được ngành Giáo dục và các địa phương triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng hoạt động giảng dạy ở các nhà trường trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp.

Toàn tỉnh hiện có 814 cơ sở giáo dục, trên 269.600 học sinh, 17.925 cán bộ quản lý, GV, nhân viên, trong đó có 1.515 cán bộ quản lý, 14.876 GV, 1.129 nhân viên; 93,13% GV đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Tính theo định mức, nhu cầu cần bổ sung biên chế cho năm học 2024 - 2025, toàn ngành thiếu 1.997 GV. Một số địa phương thiếu hụt nhiều GV nhất là Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần. Các môn học thiếu nhiều GV là: Ngoại Ngữ, Tin Học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Toán. Năm học 2023 - 2024, có 165 cán bộ quản lý, GV, nhân viên nghỉ việc, chuyển nghề, 198 người nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó hơn 120 người nghỉ hưởng chế độ chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ khiến cho tình trạng thiếu GV càng trở nên trầm trọng.

Cô và trò Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Hà Giang trong tiết học Tiếng Anh.

Cô và trò Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Hà Giang trong tiết học Tiếng Anh.

Hàng loạt các hội nghị đã được ngành Giáo dục triển khai với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương, ngành Giáo dục, quản lý trường học để tìm lời giải cho “bài toán” thiếu GV. Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là ưu tiên chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024 cho ngành Giáo dục. Theo đó, có 7 huyện được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng là Xín Mần, Bắc Quang, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên ưu tiên tuyển dụng 493 chỉ tiêu viên chức ngành Giáo dục; trong đó tuyển 55 GV Tiếng Anh, 21 GV Tin học, 13 GV Âm nhạc, 23 GV Mỹ thuật, 48 giáo viên Toán. Huyện Vị Xuyên đã hoàn thành tuyển dụng 33 GV mầm non. Các huyện còn lại đang thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định. Tính đến tháng 6.2024, toàn tỉnh cũng đã ký hợp đồng được 193 GV theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.

Quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn; sáp nhập những trường có quy mô nhỏ thành các trường liên cấp trên nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Giảm điểm trường, xóa lớp ghép để giảm GV đứng lớp cũng là giải pháp quan trọng đang được các địa phương tập trung thực hiện gắn với Đề án chuyển học sinh từ điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nhiều trường PTDT bán trú được thành lập, hàng nghìn học sinh tiểu học được về học tại trường chính, hàng trăm điểm trường lẻ được xóa bỏ. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh còn 1.192 điểm trường, giảm 195 điểm trường so với năm học trước. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoàng Su Phì, Nguyễn Thị Bích Hằng chia sẻ: “Năm học 2024 - 2025, toàn huyện còn 106 điểm trường mầm non và 61 điểm trường tiểu học, giảm 40 điểm trường so với năm học 2020 - 2021, hiện có 15/24 xã không còn điểm trường tiểu học. Huyện chú trọng phát triển các trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú, xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học mới trên cơ sở tính toán số lượng học sinh các xã giáp ranh và giao các trường học tuyển sinh, mở lớp phù hợp, đảm bảo không tăng quy mô lớp học. Việc giảm các điểm trường đã giải quyết được một phần tình trạng thiếu GV”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Bên cạnh ưu tiên tuyển dụng viên chức cho ngành Giáo dục, huyện Đồng Văn tập trung dồn điểm trường, xóa lớp ghép, hiện chỉ còn 1/3 số thôn trên địa bàn huyện còn điểm trường; bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên Tiếng Anh có thể vừa dạy học trực tiếp, trực tuyến và tăng cường cho các trường thiếu, qua đó khắc phục đáng kể tình trạng thiếu GV”.

Ngành Giáo dục cũng rà soát, biệt phái, điều động GV từ nơi thừa sang nơi thiếu và điều động một số GV Tiếng Anh đang giảng dạy tại cấp THCS kiêm nhiệm giảng dạy thêm tại các trường tiểu học; huy động sự hỗ trợ từ các địa phương khác.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Vũ Thị Kim Chung chia sẻ: “Trong bối cảnh học sinh tăng, thiếu nhiều giáo viên nhưng biên chế không tăng, giáo viên khó tuyển, ngành Giáo dục chủ trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp đảm bảo tối thiểu nhất tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định”.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/tap-trung-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-b9317d0/