Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả sau các đợt mưa lũ vừa qua, cùng với việc thống kê mức độ thiệt hại, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn giúp người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê, sau các đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10/2020, ngoài thiệt hại về con người, nhà cửa bị ngập, sạt lở…, huyện Triệu Phong còn có hơn 330.000 con gia súc, gia cầm các loại bị chết và nước lũ cuốn trôi; hơn 153 ha diện tích nuôi tôm, 114 ha nuôi tôm xen ghép; 88 ha nuôi cá nước ngọt, 70 ha ao đầm tự nhiên và 35 lồng nuôi cá bị ngập, cuốn trôi; nhiều diện tích rau màu các loại bị hư hại; nhiều công trình kênh mương, đê kè, đường giao thông bị hư hỏng… Ước tổng thiệt hại lên đến trên 271 tỉ đồng. Để khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngoài việc cứu trợ kịp thời cho người dân, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương tập trung tu sửa lại đường sá, đê kè, nạo vét kênh mương nội đồng; chủ động nắm tình hình thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhu cầu trợ giúp của người dân để có những hỗ trợ, hướng dẫn khôi phục sản xuất.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết, tuy còn ngổn ngang bao khó khăn nhưng huyện xác định phải nhanh chóng khôi phục sản xuất, trong đó triển khai tốt vụ sản xuất đông xuân bảo đảm theo đúng lịch thời vụ. Do vậy, bên cạnh chuẩn bị các phương tiện, vật tư nông nghiệp, huyện đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 240 tấn lúa giống gồm các giống chủ lực như HN6, Khang Dân, Bắc Thơm số 7, Thiên Ưu 8, NA2; 3,5 tấn ngô giống và 2 tấn hạt giống rau màu, đậu các loại. Đồng thời đề xuất hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng; nạo vét kênh dẫn các trạm bơm; xử lý bồi lấp và xói lở mặt ruộng nhằm kịp thời sản xuất vụ đông xuân.
Đối với chăn nuôi, để ngăn ngừa các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi… có thể phát sinh, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã cùng các địa phương huy động lực lượng, phối hợp với thú y cơ sở thực hiện tìm kiếm, vớt toàn bộ số gia súc, gia cầm và vật nuôi chết do mưa lũ cuốn trôi tại các kênh mương, sông, ven biển để chôn lấp theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), hạn chế ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh do xác động vật phân hủy gây ra. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi sửa chữa chuồng trại, khắc phục hư hỏng, gia cố chuồng trại chắc chắn, thay chất độn chuồng khô ráo; thực hiện vệ sinh chuồng trại, dọn sạch rác, bùn đất và nước đọng trong khu vực chuồng trại; thực hiện phun khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, trang thiết bị dụng cụ chăn và môi trường chăn nuôi tại các khu vực ngập úng sau mưa lũ bằng hóa chất Iodine. Đồng thời đề xuất hỗ trợ kinh phí, giống vật nuôi như lợn, gà, vịt cho người dân để tái đàn sau mưa lũ. Đối với thủy sản nuôi, ông Nhuận khuyến cáo người nuôi cần tăng cường quản lý môi trường ao nuôi, bổ sung khoáng chất, vitamin… đối với những diện tích nuôi còn lại; tạm dừng việc thả giống nuôi mới vào thời điểm này do môi trường nước chưa ổn định.
Tại huyện Cam Lộ, mưa lũ và bão số 9 đã làm trên 1.100 ha sắn, hoa màu, rau đậu, cây ăn quả, cây hồ tiêu, cây dược liệu các loại… bị ngâm nước dài ngày, đổ ngã, nguy cơ mất trắng nhiều diện tích. Mưa lũ còn làm trên 110.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 82 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, để khôi phục sản xuất, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã cùng với các đơn vị chuyên môn và các địa phương tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn người dân khắc phục những diện tích cây cao su, cây ăn quả bị đổ ngã; tháo úng cho các vườn trồng cây hồ tiêu, cây dược liệu. Chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Đồng thời đề nghị cấp trên hỗ trợ 100.000 con cá giống, 100.000 con giống gia cầm, 100 tấn lúa giống, 50 tấn giống lạc, 10 tấn giống ngô nếp, 5 tấn giống rau và một số loại giống cây ăn quả để giúp người dân phục hồi sản xuất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, các đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 2.540 ha diện tích hoa màu bị ngập úng dài ngày làm hư hỏng hoàn toàn; hơn 8.336 ha cây hằng năm như đậu các loại, ngô, khoai sắn bị thiệt hại; hơn 522 ha cây ăn quả bị gãy đổ; gần 500 tấn lúa giống bị ướt, hư hỏng hoàn toàn; hơn 47.200 tấn lương thực các loại bị ướt, nước lũ cuốn trôi; hơn 555.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 372 ha diện tích nuôi tôm và hơn 678 ha nuôi cá nước ngọt bị thiệt hại. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho hay, nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương huy động tối đa mọi phương tiện và nhân lực, tiến hành đấu úng, tháo nước, bơm tiêu nhanh trên ruộng hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm bị ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra; khôi phục những diện tích ruộng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ để tổ chức sản xuất vụ đông xuân đảm bảo diện tích và kịp thời vụ. Hướng dẫn nông dân tận thu các diện tích hoa màu, nhất là diện tích sắn bị ngập úng; đề nghị nhà máy chế biến tinh bột sắn tăng cường thu mua sắn cho nông dân, đặc biệt là với các địa phương có diện tích sắn bị ngập úng và đổ ngã do bão.
Hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, trước mắt là mở rộng sản xuất các cây rau màu vụ đông trên diện tích đất cao, không bị ngập lụt để tăng thu nhập, bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra. Hướng dẫn người chăn nuôi đưa gia súc, gia cầm đến nơi khô ráo; cung cấp đầy đủ thức ăn; theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và có báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi có gia súc, gia cầm bị ốm, chết; tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy mạnh chăm sóc diện tích cây thức ăn thô xanh đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc, gia cầm.
Chỉ đạo Chi cục CN&TY tích cực triển khai công tác phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, tẩy uế chuồng trại, xử lý xác gia súc, gia cầm chết; thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú ý tại các chợ; kiểm tra ổ dịch cũ, đặc biệt là ổ dịch gần vùng bị ngập lụt để có biện pháp ngăn ngừa ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt hết sức lưu ý dịch tả lợn Châu Phi, LMLM, cúm gia cầm. Phân bổ 20.000 lít hóa chất Benkocid và Vetvaco-Iodine từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để phòng, chống dịch bệnh cho động vật và tiêu độc khử trùng sau lũ.
Đối với lĩnh vực thủy sản, người dân cần tiến hành tu sửa, gia cố lại bờ đê, cửa cống; sửa chữa máy móc thiết bị, vệ sinh, khử trùng và cải tạo ao kỹ càng trước khi bước vào vụ nuôi mới. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thủy sản có thể xảy ra, kịp thời xử lý dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Tập trung khôi phục, tu bổ các công trình thủy lợi, kênh mương để kịp thời sản xuất vụ đông xuân. “Để khôi phục sản xuất, tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn giống lúa, 80 tấn giống ngô và 15 tấn giống rau màu để giúp người dân khắc phục hậu quả của mưa lũ, sớm ổn định sản xuất”, ông Hiền cho hay.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152977