Tập trung kiểm soát để nguồn thịt bò an toàn
Lời Tòa soạn: Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục (VDNC), ngành chức năng đang tập trung kiểm soát khâu giết mổ nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thịt bò an toàn đến người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
*P.V: Xin ông cho biết, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan chuyên môn địa phương thực hiện biện pháp phòng-chống dịch VDNC như thế nào?
- Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Công tác giám sát, phát hiện đàn vật nuôi nghi mắc bệnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xác định bệnh được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương chủ động thực hiện thường xuyên. Khi có mẫu dương tính, UBND cấp huyện tiến hành công bố dịch, khoanh vùng, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để phòng-chống dịch. Cùng với đó, UBND cấp xã hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly, chăm sóc bò bị bệnh, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh; tuyên truyền người chăn nuôi chủ động mua vắc xin phòng bệnh VDNC để tiêm. Bên cạnh đó, Chi cục đã xuất hơn 7.600 lít hóa chất cho các địa phương triển khai Tháng Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh.
Đến nay, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã chủ động tiêm hơn 71.500 liều vắc xin phòng VDNC cho trâu, bò (đạt hơn 17% tổng đàn). Riêng huyện Mang Yang và TP. Pleiku đã xuất ngân sách mua gần 3.000 liều vắc xin tiêm bao vây ổ dịch. Ở các địa phương khác, cơ quan chuyên môn đã đề xuất UBND cấp huyện bố trí ngân sách mua vắc xin tiêm phòng và triển khai phòng-chống dịch với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh quyết định chi hơn 1,4 tỷ đồng mua vắc xin VDNC cấp cho các địa phương tiêm bao vây ổ dịch. Dự kiến khoảng cuối tháng 7 này sẽ có vắc xin tiêm phòng.
*P.V: Trước diễn biến phức tạp của bệnh VDNC, công tác quản lý, kiểm soát giết mổ trâu, bò được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Tính đến 15 giờ ngày 11-7, toàn tỉnh có 4.790 con bò mắc bệnh VDNC của 2.968 hộ thuộc 457 thôn, làng trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 168 con chết đã tiêu hủy, 998 con đã khỏi bệnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 hộ tham gia giết mổ gia súc, gia cầm và có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở 4 huyện: Ia Grai, Krông Pa, Chư Sê, Đức Cơ. Công tác kiểm soát giết mổ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện hàng ngày. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật. Cụ thể, ngành chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi ký cam kết không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh và có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra ngoài môi trường; tuân thủ hướng dẫn phòng-chống dịch của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các địa phương chưa có dịch VDNC, công tác kiểm soát giết mổ vẫn được tổ chức thực hiện bình thường. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ, đồng thời tăng cường kiểm phẩm tại các chợ.
*P.V: Ngành chức năng có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, thưa ông?
- Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Chúng tôi khuyến cáo người dân cần chủ động phòng-chống dịch bệnh bằng cách mua vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC, phun thuốc diệt côn trùng chích hút truyền bệnh, thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện nổi các nốt sần trên da cần báo ngay cho trưởng thôn, nhân viên thú y xã, UBND xã để được hướng dẫn xử lý. Tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng-chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh.
Tiếp tục thực hiện nghiêm, đúng quy định, tổ chức quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ trên toàn tỉnh. Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm gây bệnh trên trâu, bò nhưng không lây sang người và hiện đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, người dân không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không nên hoang mang trước tình hình dịch bệnh. Cần chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt chú trọng việc chăm sóc hộ lý, điều trị gia súc mắc bệnh.
Đối với sản phẩm thịt bò, người tiêu dùng yên tâm sử dụng các nguồn thực phẩm có nguồn gốc đã được kiểm soát, không nên hoang mang hay có suy nghĩ “tẩy chay” sản phẩm thịt bò trên thị trường.
*P.V: Xin cảm ơn ông!