Tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách

Trong giai đoạn 2025 - 2027, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định sẽ tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Phấn đấu đạt tối thiểu 90%

Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030) xác định, nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần; đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương.

Thực hiện Chiến lược, Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết, một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong định hướng chủ đề kế hoạch kiểm toán năm 2025 và trung hạn 2025 - 2027 đang được xây dựng là KTNN cơ bản giữ ổn định về số nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm trước; tăng hằng năm các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Kiểm toán

KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Kiểm toán

Theo đó, trong giai đoạn 2025 - 2027, KTNN sẽ tập trung vào nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của các bộ, ngành, địa phương, với tỷ lệ đạt tối thiểu 90%. Kế hoạch kiểm toán cũng điều chỉnh tăng các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin đạt tối thiểu 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025, nâng dần lên 32% vào năm 2026 và 34% vào năm 2027.

Các đơn vị kiểm toán cho rằng, việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Điều này nhằm kịp thời đưa ra các phân tích, ý kiến cảnh báo, tư vấn ngay từ khâu lập dự toán phục vụ Quốc hội, Chính phủ trong công tác giám sát, quản lý, điều hành; giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Hạn chế tối đa đoàn kiểm toán tại một địa phương, đơn vị

Theo yêu cầu của Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và trung hạn phải bảo đảm chỉ tiêu tối thiểu về số lượng cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường; không giới hạn tối đa số cuộc kiểm toán này, tùy thuộc vào nguồn lực của đơn vị.

Lãnh đạo KTNN cũng yêu cầu các đơn vị xem xét đưa vào kế hoạch kiểm toán các nội dung như kiểm toán thường xuyên đối với việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15; tổ chức kiểm toán thường xuyên đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức kiểm toán định kỳ 2 năm/lần báo cáo tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; tiến hành tổ chức kiểm toán định kỳ 3 năm/lần quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Cũng theo lãnh đạo KTNN, các đơn vị kiểm toán khi lựa chọn chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2025 - 2027 phải căn cứ vào nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Ngoài những chủ đề kiểm toán do đơn vị tổ chức thực hiện, lãnh đạo KTNN cũng lưu ý các đơn vị kiểm toán phải chú trọng lựa chọn chủ đề để tổ chức kiểm toán toàn ngành hoặc có nhiều đơn vị tham gia. Theo đó, các KTNN chuyên ngành đề xuất kiểm toán các chuyên đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Các KTNN khu vực tổ chức nghiên cứu để đề xuất kiểm toán tối thiểu 1 chủ đề/năm, gắn với đặc thù của địa phương thuộc phạm vi kiểm toán…

Thực hiện theo định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN, các đơn vị kiểm toán đã bám sát các nội dung trọng tâm để triển khai. Hiện, việc đề xuất chủ đề kiểm toán đã cơ bản được các đơn vị hoàn tất và gửi về Vụ Tổng hợp để tổng hợp, trình lãnh đạo KTNN xem xét, quyết định.

Lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, sau khi định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2025 và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2025 - 2027 được ban hành, đơn vị đã tập trung xây dựng kế hoạch theo đúng hướng dẫn của ngành. Số lượng địa phương chọn kiểm toán ngân sách và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đúng chỉ tiêu theo hướng dẫn; ưu tiên chọn kiểm toán các chuyên đề toàn ngành; lựa chọn các chủ đề kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, điều hành của địa phương. Nguyên tắc thực hiện là hạn chế tối đa nhiều đoàn kiểm toán tại một địa phương/đơn vị được kiểm toán, giảm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng KTNN.

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tap-trung-kiem-toan-bao-cao-quyet-toan-ngan-sach-i386075/