Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp rõ ràng, trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 30/10, phát biểu tại phiên thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long ghi nhận thời gian qua việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa hiệu quả các kết quả của các giai đoạn trước. Đồng thời, nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao quyết liệt, đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương nên việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong gần 3 năm qua đã có những đóng góp quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.
Quan trọng hơn hết là đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, miền núi tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong phối hợp trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của Chính phủ và để các Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình để các địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng bộ. Cần tập trung đầu tư đến công tác theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận kết quả thực hiện các tiêu chí các dự án, tiểu dự án của chương trình.
Tiếp tục lãnh đạo đổi mới phương thức truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở, địa bàn dân cư về những mục tiêu, giải pháp của đề án, chương trình tổng thể để làm thay đổi mạnh mẽ nếp nghĩ, cách làm của người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp
Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chương trình và không bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển chung của cả nước.