Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo báo chí truyền thông thời đại mới
Chiều 19/10, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo, các Bộ, ngành hữu quan, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân.
Thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo Báo chí truyền thông
Khái quát về hoạt động của nhà trường với Đoàn công tác, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, cho biết: Trường Đại học KHXH&NV với bề dày lịch sử đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhà trường được Đảng và Nhà nước coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo về hoạt động đào tạo báo chí truyền thông, PGS.TS Đặng Thu Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (BCTT) là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu BCTT có truyền thống và uy tín ở Việt Nam hiện nay. Viện có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ ở Việt Nam hiện nay. Viện cũng là một trong những cơ sở đào tạo báo chí có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế.
Viện đào tạo các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực BCTT, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa. Triết lý giáo dục hướng tới đào tạo các nhà báo, nhà truyền thông tương lai có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức chuyên môn tốt, sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, ứng phó linh hoạt và sáng tạo, giữ được đạo đức nghề nghiệp nhân văn và chính trực.
Ghi nhận và kiến nghị từ thực tế
PGS.TS Đặng Thu Hương kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực BCTT. Ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực BCTT. Có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, cũng như định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo BCTT công lập và ngoài công lập. Chủ trì biên soạn một số giáo trình dạy chung trong các cơ sở đào tạo BCTT.
Tạo cơ chế, chính sách để Hội đồng tư vấn chính sách của Trường ĐH KHXH &NV được báo cáo trực tiếp, tham mưu, giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, đạo đức; chủ trương quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông… Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ TT&TT và các cơ sở đào tạo báo chí uy tín xây dựng Khung CDR cho các chương trình đào tạo báo chí. Cho phép mở một số ngành thí điểm. Đề nghị Bộ quan tâm cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng được tuyển sinh ThS báo chí định hướng ứng dụng tại địa phương.
Bộ TT&TT tăng cường phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng chính sách đặc thù trong đào tạo BCTT. Tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở đào tạo tham gia xây dựng các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực BCTT. Hội Nhà báo, Hội Xuất bản, các Hội nghề nghiệp liên quan và các cơ quan báo chí có cơ chế phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cơ sở đào tạo từ việc xây dựng CDR, xây dựng chương trình đào tạo, đến tham gia đào tạo, tiếp nhận SV thực tập và làm việc. Tăng cường phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, BTV,…
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: Không phủ nhận vai trò học thuật trong trường đại học. Ở đây chúng ta cần cải thiện quan hệ cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí. Sinh viên báo chí thực hành càng nhiều càng tốt, tham gia vào hoạt động thông tin báo chí tại tòa soạn càng nhiều càng tốt. Sự phối hợp nhà trường và cơ quan báo chí cần tiến hành từ năm thứ 2 mới hiệu quả. "Bồi dưỡng kỹ năng báo chí cần thiết nhưng không quá khó, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu đây là điều chúng tôi rất cần"- ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đại diện Bộ TT&TT, Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương đã ý kiến về chủ trương, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hội nhập trong lĩnh vực báo chí, báo chí - truyền thông. Đại diện Bộ Thông tin truyền thông cũng trả lời thấu đáo về những kiến nghị của nhà trường liên quan đến các vấn đề cấp thẻ cho nhà giáo tham gia đào tạo báo chí, vấn đề khung chương trình, cơ cấu lại nội dung đào tạo, kỹ năng đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao. Đại diện Tuyên giáo ghi nhận chất lượng đào tạo của nhà trường, đây là cơ sở đào tạo báo chí ít nhưng tinh. Nhà trường đã nỗ lực lớn, quan tâm đến phát triển toàn diện hoạt động đào tạo.
Giám đốc Lê Quân cho biết, Trường ĐH KHXH&NV có nhiều đề án đổi mới, ĐHQGHN đã nghị quyết về phân tầng đào tạo, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, có chính sách thu hút sinh viên giỏi. Trường ĐH KHXH&NV những năm qua cấu trúc lại chương trình mạnh, đào tạo bối cảnh mới gắn lý thuyết với thực tế nghề. Nhà trường có trung tâm thực hành được thực hành TTBC gắn với bối cảnh chuyển đổi số. Hiện ĐHQGHN đang vướng Nghị định, cần thí điểm mô hình đào tạo mới, như BCTT đổi mới cách thức đào tạo, ĐHQGHN phải được thí điểm đào tạo trong giai đoạn tới.
Mục tiêu đào tạo phải mang tính định hướng
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Hội nghị Trung ương 8 tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời đại mới. Thực hiện nghị quyết 20 về khoa học công nghệ, GD-ĐT, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng. Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về GD&ĐT, trong đó lĩnh vực đào tạo báo chí cần đặc biệt quan tâm. Cần tập trung nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, nhà quản lý, phóng viên, tinh thông nghiệp vụ trong báo chí truyền thông thời đại mới.
Cần nghiên cứu đào tạo BCTT trong một thể thống nhất thích ứng với thời cuộc. Tiếp tục thực hiện tốt đào tạo bồi dưỡng đội ngũ người làm báo trong thời kỳ mới. Tập trung công tác báo chí và xuất bản tại nhà trường, nhằm xây dựng được khung chương trình trong phạm vi toàn quốc (đạt chuẩn mới được đào tạo ngành báo chí) bởi báo chí là lực lượng binh chủng hết sức đặc biệt, sứ mạng quan trọng của đất nước trong thời bình. Tránh việc học không đi đôi với hành.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhất trí với các nội dung báo cáo thành tựu của trường trong thời gian qua. Giá trị phẩm chất nhiệm vụ đặt ra thời kỳ nào cũng thể hiện có đóng góp lớn cho đất nước trong việc xây dựng nguồn lực chất lượng cao. Nhiều nhà khoa học, nhà chính trị được đào tạo tại trường, nhiều liệt sĩ, nhà văn, nhà báo hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Thời kỳ đổi mới có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo tinh thần Đại hội XIII, đổi mới tư duy, sáng tạo, xứng đáng là đơn vị đầu đàn của ĐHQGHN.
Chúng tôi trân trọng những thành quả nhà trường đã đạt được thời gian qua. Viện BCTT với những thành tựu tự hào trong việc đóng góp vào thành tựu chung của sự nghiệp báo chí cách mạng. Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến của nhà trường, thời gian tới Bộ GD&ĐT cùng nhà trường xây dựng định hướng vị trí, vai trò, sứ mệnh của Trường ĐH KHXH&NV. Mục tiêu đào tạo và yêu cầu đào tạo, chúng tôi thống nhất với ý kiến của nhà trường. Quản lý đào tạo thế nào, mục tiêu sắp tới phải mang tính định hướng, khắc phục tình trạng đào tạo quá nhiều, chất lượng không đồng bộ. Các cơ quan phải có trách nhiệm hành động, hoàn thành đổi mới chương trình trình cấp có thẩm quyền. - ông Nguyễn Trọng Nghĩa